Vài dòng sau chuyến du lịch Mỹ
Tôi cùng với con gái đã đặt chân lên nước Mỹ tại phi trường Los Angeles lúc 14:20 giờ ngày Chủ Nhật 03.9.2006 và rời nước Mỹ lúc 01:30 giờ sáng ngày thứ Năm 21.9.2006 từ phi trường San Francisco. Vì đa số các bạn của tôi và bạn của con gái cư ngụ tại miền Nam California nên tôi chọn tiểu bang này để làm chuyến du lịch tiết kiệm. Ở tại nhà các bạn, mỗi đứa vài hôm. Hướng dẫn viên là những bạn có việc làm tương đối rảnh rỗi.
Vì đây là lần đầu tôi đến nước Mỹ với thời gian lưu trú ngắn ngủi, 18 ngày, nên trước khi lên đường tôi đã cùng các bạn sống tại đây sắp xếp chuyến du lịch này của tôi sao cho tốt nhất: vừa gặp lại càng nhiều bạn càng vui, vừa tham quan tiểu bang California càng nhiều chỗ càng hay. Tôi đã tạm trú tại nhà các bạn ở Los Angeles và San Jose. Tôi đã được đi xem vài sòng bạc tại Las Vegas; Thế Giới Biển (Sea World); Hollywood, phim trường Universal; cầu Cổng Vàng (Golden Gate); Cầu Cảng 39 (Pier 39 Fisherman Wharf); làng Đan Mạch Solvang; khu 17 Dặm (17 Miles)…; được bạn chở bằng ô—tô đi dọc bờ biển Thái Bình Dương của California trên Freeway 101 (từ Los Angeles lên San Jose mất gần 15 giờ vì thường xuyên dừng lại tham quan ngắm cảnh — thay vì 7 giờ nếu chạy suốt)…
Phi trường Los Angeles (LAX) |
Cảm nhận rõ nhất của tôi về nước Mỹ là một cuộc sống an bình, trật tự; mọi người đều lịch sự, tôn trọng luật pháp nên sinh hoạt rất thoải mái. Dân California tự hào có hệ thống đường sá và biển báo giao thông tốt nhất nước Mỹ. Các biển báo giao thông, tên đường được lắp những chỗ thuận tiện cho người lái xe trông thấy: ở các giao lộ trong thành phố, đèn tín hiệu giao thông và tên đường được treo trên cao phía bên kia ngã tư. Dân Mỹ lái xe theo biển báo tên đường và biển báo giao thông.
Giao thông ở Los Angeles
Nếu bạn “lạ nước lạ cái”, bạn cũng không bao giờ lái xe lạc quá xa vì có biển báo khắp trên đường. Freeway không có đường giao nhau. Một người bạn cho biết, chỉ cần biết 3 freeways chánh và biết hướng nơi đến là có thể lái xe đến bất kỳ nơi nào. Tốc độ xe trên freeway được kiểm soát bằng radar và máy bay (có biển báo khi vào freeway). Vì xe con di chuyển với tốc độ 35~55 dặm/giờ (60~90 km/giờ) trong thành phố và 65~100 dặm/giờ (100~160 km/giờ) trên freeway nên khoảng cách được tính bằng thời gian lái xe. Khoảng cách dưới 1 giờ lái xe được xem là gần! Xe con thì mỗi người một chiếc. Gia đình có bao nhiêu người thành niên thì có bằng ấy xe con. Không ai đi nhờ ai.
Dưới mặt đường đều có hệ thống cảm ứng điện tử để điều hòa tín hiệu giao thông tự động. Tuy vậy vẫn luôn xảy ra tình trạng kẹt xe trên freeway vào các giờ cao điểm do quá nhiều xe con và bị mắc nghẽn cổ chai — từ 5 làn trên freeway giảm xuống 3 làn khi vào thành phố. Những tiện ích công cộng khá tốt: Trạm xăng, cửa hàng bách hóa, cửa hàng ăn uống được đặt cùng khắp và đều có phòng vệ sinh công cộng miễn phí và rất sạch sẽ. Ngay cả khi đang chạy xe trên freeway, nếu có nhu cầu đi vệ sinh thì rẽ vào đường EXIT là có thể ghé vào trạm xăng hoặc cửa hàng bách hóa để giải quyết. Đường đi dọc bờ biển Thái Bình Dương có một đoạn sát cạnh núi đá được phủ lưới sắt để ngăn đá vỡ rơi xuống đường. Tạo cho mình cảm giác rất an toàn.
Đường Paml Spring ở Los Angeles |
Xã hội Mỹ: trật tự, kỷ luật, tôn trọng luật pháp
Công dân Mỹ rất tôn trọng luật lệ giao thông: luôn dừng xe ngay vạch trắng có chữ STOP được sơn trên mặt đường ở các giao lộ (dù rằng đường cắt ngang không có xe qua lại) hoặc khi có biển báo STOP (tôi đã tận mắt thấy các xe đều phải dừng lại cả 2 chiều khi xe buýt chở học sinh dựng bảng STOP để cho học sinh xuống xe vào trường phía bên phải). Không ai giành đường và lấn đường. Kẹt xe thì nối đuôi nhau. Trên freeway có làn đường dành riêng cho sự cố (emergency lane) phía cùng bên phải và bên trái. Không xe nào chạy vào các làn này cả.
Nhiều đoạn phía cùng bên trái là car pool lane (làn dành cho ô—tô con chở nhiều người): do tình trạng thường xuyên kẹt xe trên freeway vào giờ cao điểm nên các xe chở từ 2 người trở lên được di chuyển vào làn này. Làn phía cùng bên phải cũng là làn rẽ phải và xe di chuyển vào làn này bắt buộc phải rẽ phải. Xả rác trên đường bị phạt rất nặng. Suốt Freeway 101 và National Road 1 (đường tiểu bang) dọc bờ biển Thái Bình Dương luôn có biển báo: xả rác sẽ bị phạt 1.000 USD. Công dân Mỹ chấp hành tốt các luật lệ qui định, có lẽ vì mức phạt rất cao!
Một người bạn kể: Trong 30 năm sống tại Mỹ, anh bị phạt vi phạm giao thông một lần duy nhất do quanh chữ U trên freeway (để tiết kiệm thời gian). Trước khi quanh, anh đã trông trước nhìn sau. Không có bóng dáng xe cảnh sát, vậy thì anh quanh. Vừa quanh xong thì gặp ngay trước mắt xe cảnh sát. Mất toi 500 USD tiền phạt. Chuyện của một người bạn khác: vào lúc 2:00 giờ sáng, bạn đang ngủ. Tiếng chuông cổng reng. Giật mình thức giấc, ngái ngủ, ra mở cửa. Nhân viên cảnh sát đứng trước cửa nhà lịch sự chào và xin lỗi là đã quấy rầy chủ nhà vào rạng sáng như thế này nhưng vì chủ nhà thả chó đi rong, cảnh sát bắt chó và giao trả lại với tiền phạt là USD 100. Nếu tái phạm, tiền phạt sẽ tăng gấp đôi. Bực mình vì con chó này không phải là chó kiểng, bạn tôi nói không muốn nuôi con chó này nữa và giao cho cảnh sát xử lý. Câu trả lời là: phải đóng 500 USD nếu muốn được giải quyết.
Phải lao động cật lực để “trả nợ” cho cuộc sống
Ở Mỹ, muốn gì cũng có, kể cả kiến thức, nhưng phải trả bằng tiền và do đó phải lao động cật lực để trả nợ cho cuộc sống. Nếp sống gia đình riêng tư luôn được tôn trọng. Điều này đồng nghĩa với việc không ai quan tâm đến ai dù rằng ở chung khu nhà tập thể. Không ai để ý đến trang phục nên dân Mỹ được xem là dân mặc đồ luộm thuộm. Trừ những người là công chức hoặc làm việc ở những công ty lớn thì mặc đồ trang trọng, còn lại thường thấy quần jeans, áo pull và giày vải thể thao. Khi vào bất kỳ quán ăn nào, ngay cả khi quán vắng, khách cũng phải chờ để nhân viên quán ăn hướng dẫn vào bàn chứ không tự động đi vào và tìm bàn để ngồi.
Về nhà ở, phần lớn đều được làm bằng gỗ. Tường bằng ván ép và phủ lớp hồ vữa giả tường gạch. Sân quanh nhà đều được phủ cây cỏ xanh mát. Nghề trồng cỏ hái ra tiền. Tôi có một người bạn tạo dựng được cơ nghiệp tại Los Angeles bằng nghề này, bây giờ anh có thêm một nghề nữa là địa ốc, nhưng anh tâm sự: không thể bỏ nghề trồng cỏ được. Ở Mỹ, khó phân biệt được thành thị với thôn quê vì khung cảnh thiên nhiên và nhà ở giống nhau, con người trang phục cũng như nhau. Duy chỉ dân bản xứ mới phân biệt được thôi, Ví dụ, đối với dân Los Angeles thì dân sống tại San Jose được gọi là “nhà quê” dù rằng đây là thủ phủ của Silicon Valley.
Điều làm cho tôi đặc biệt quan tâm là trẻ em ở Mỹ được chăm sóc cực kỳ tốt, từ ăn học đến vui chơi. Không có trẻ em nào phải làm việc để kiếm sống. Còn ở Việt Nam ta thì sao? Nhan nhãn trẻ em phải lê la ngoài đường tự bươn chãi tìm miếng cơm manh áo. Thật nhói lòng. Sau chuyến du lịch ngắn ngũi, vẫn còn rất nhiều nhận xét về nước Mỹ chưa nêu ra đây vì đó chính là nếp sống và cuộc sống của một xã hội phát triển. Xã hội Mỹ hiện đại và phát triển nhanh nên cuộc sống mọi người luôn phải cuốn theo nó và người ta bị bắt buộc phải lao động cật lực để trả nợ cho cuộc sống, không còn nhiều thời gian để dành cho những sở thích riêng tư hay những buổi tụ họp bạn bè…
Riêng tôi, xin có một nhận định: Nếu phải trả nợ cơm áo thì ở đâu ta cũng phải làm việc đến quên mình, nhưng trả nợ cơm áo ở Việt Nam thì ta còn đóng góp được cho đất nước mình dù rất là nhỏ nhoi. Bạn nào mơ đến một sự đổi đời ở nước Mỹ, hãy thử làm một chuyến du lịch dài ngày, thâm nhập đời sống thực tế một thời gian xem mình có thể sống theo kiểu Mỹ được hay không, nhé!
Leave a Reply