San Jose ký sự – Việt Kiều
Gần 8 năm trước vào một ngày đẹp trời giữa năm, tôi và ba má có mặt sáng sớm tại tòa lãnh sự Mỹ trên đường Lê Duẩn với tâm trạng lâng lâng khó tả. Tôi hiểu được mỗi người trong 3 chúng tôi có một suy nghĩ riêng và những ưu tư thăng trầm riêng về một cuộc “cải cách” lớn trong đời. Nhưng tôi là một thằng con trai mới lớn với biết bao hoài bão mơ ước thì khỏi nói là “sung hết xẩy” về cuộc “cải cách” này.
Một góc thành phố San Joe, bang California. Ảnh: tripadvisor
Khi sứ quán mở cửa và đến lượt gia đình tôi phỏng vấn, tôi thầm nghĩ gia đình tôi được bảo lãnh bởi ông cậu giàu có ở Mỹ nên chẳng lo gì, chắc chắn là sẽ phải đậu thôi 100%. Quả thật vậy, mọi chuyện êm xuôi và gia đình tôi đăng ký vé máy bay sớm nhất để được đến Mỹ ngay hưởng thụ cuộc sống ở xứ giàu mạnh văn minh nhất thế giới, cái mà sau này tôi mới biết là mình bị “việt vị”.
Ngày 8/7/2004, máy bay là là đáp xuống sân bay San Francisco. Tôi nghĩ bụng: “Chà chà, đây là thiên đường đây sao? Mình sẽ đi làm để mua nhà tậu xe hơi đời mới cho thỏa thích”. Đến khâu hải quan, họ tiếp gia đình tôi cũng lịch sự qua người thông dịch Việt Nam. Tuy nhiên, tôi hơi lo lắng vì trong khi chờ giải quyết giấy tờ khoảng 1 tiếng, tôi nhớ ra là mình dốt tiếng Anh. Ví như giờ có 5 USD trong túi mà khát nước làm sao để mua?
Cuối cùng mọi việc cũng xong, bên ngoài bà con gia đình đang đứng đón, mọi người tay bắt mặt mừng làm tôi quên bẵng cái vụ ngôn ngữ. Về đến nhà bà nội, cả nhà được thết đãi một bữa linh đình. Ngày đầu ở Mỹ mà chuyện gì cũng vui làm tôi phấn chấn hết sức. Tôi chạy tới chạy lui tay cầm chai Heineken thứ thiệt nhập khẩu với hương vị tuyệt hảo. Dù là ở đây 21 tuổi mới được uống thức uống có cồn, tôi chưa đủ tuổi nhưng thôi, coi như xả láng vậy ngày đầu vậy.
Tàn tiệc, tôi và má theo chị và anh rể về để lại ba tôi ở với nội. Vừa đến nhà anh rể, tôi quá choáng: “Ái chà, cái kiểu nhà này là kiến trúc giống Phú Mỹ Hưng đây mà, chuyến này lên hương rồi”. Đêm đó, ở trong nhà đẹp và mới, tôi không ngủ được vì trái múi giờ. Không gian xung quanh yên ắng đến không ngờ. Ở Việt Nam, nếu có về quê đi nữa ít nhất cũng nghe tiếng dế, nhái kêu. Vậy mà ở đây, nếu có máy đo độ ồn tôi nghĩ chắc sẽ đo được bằng 0. Không gian yên tĩnh quá, tôi mới qua, lại là con nít, túi chỉ có 5 USD và vài bộ quần áo thôi. Tôi ước gì giờ này có cái máy vi tính xách tay để chat với mấy đứa bạn thân ở Việt Nam cho đỡ buồn. Tôi mò lên lầu định dùng máy của anh rể, dù biết là không tốt vì đây là máy tính cá nhân, vả lại cũng chưa xin phép, nhưng cái sự yên lặng đáng sợ này nó làm tôi phải dẹp “tự trọng” qua một bên. Sau này tôi mới hiểu đó là thứ mà ở Mỹ không thể và không được quyền giữ trong đầu mình, vì nếu mới qua mà còn đòi “tự trọng, tự ái” chỉ có nước đi ăn mày.
Rồi tôi đi học lớp 12. Ngày đầu vô trường sợ quá, ai nói gì cũng “I don’t speak English”. Nhiều đứa hiền thì chúng nó hiểu. Nhiều đứa muốn chọc ghẹo lại nói là “You just speak English man?”, đại khái vậy.
Hai năm đầu ở Mỹ đối với người không biết chút tiếng Anh thì thật là khủng khiếp. Mình không thể làm tất cả những gì mình muốn chỉ vì rào cản ngôn ngữ. Phần lớn phải nhờ người đã ở lâu giúp đỡ, mà ở cái xứ này nhờ vả người khác chuyện gì cũng là một hình thức “rèn luyện tính tình kiên nhẫn” giống Gia Cát Lượng ấy. Tức là khi nhờ vả bạn sẽ nghe: “OK, đừng lo để đó yên chí bữa nào (anh/em/chị/chú) ghé qua làm cho”. Quả thật là cái “bữa nào” đó hình như không có trong “cuốn lịch” và cái “yên chí” thì thật là “yên” luôn vì chờ mãi chẳng thấy. Và xin nhắc lại mọi người đều vậy nhé. Bạn đừng thử nhờ người khác làm chi mất công. Cái tôi muốn nhấn mạnh ở đây là các bạn phải kiên nhẫn trong mọi tình huống và hoàn cảnh, sự việc nếu không thì sẽ đứt gân máu đấy.
Thương xá của người Việt tại San Joe. Ảnh: Truc Le
Đến đây, cái “mộng Mỹ” của tôi hình như giảm từ 10 điểm xuống còn 8 thôi. Vừa bị “hành hạ” trong trường, vừa đi làm thêm ở chợ Việt Nam trong vai trò “người bỏ bịch”, tức là khách tính tiền xong mình giúp họ bỏ đồ vô bịch giúp họ và đẩy xe ra ngoài cho họ nếu họ yêu cầu. Hầu như là mình phải làm hết, khách chỉ đi tay không. Mỗi tháng lĩnh được 500 USD. Thứ 2 đến thứ 6 đi học, thứ 7 và chủ nhật đi làm, tôi còn thời gian nào để hưởng thụ xứ “thiên đường” đây?
Sau nửa năm ở đây, bà con bà khía bay biến hết chả thấy mặt nào “giận quá, buồn quá, tình đời thế sao?”. Xin nhắc rằng những gì tôi “lên án” và “nói xấu” trong bài này thì sau 8 năm tôi đều có hết những đức tính đó nhé. Tức là tôi đã thành người Mỹ mất rồi. Ở đây tôi kể hết những gì tôi thấy, biết, chịu, trải qua cho các bạn nghe thôi chứ còn ai đánh giá sao thì tùy vì có thể còn nhiều yếu tố tùy theo như may mắn hoặc tùy gia đình nữa.
Tôi vừa đi học vừa đi làm coi như là đã trở thành “cu li” bán thời gian rồi vì nhà tôi ba má không lo con cái, nên tôi không lo cho mình thi ai lo đây? Chị em thì đâu lo hoài được dù giàu đi nữa. Mình tôi nhiều khi muốn mua cái áo hay đồ lót chả lẽ chìa tay xin? Thế vậy nên tôi không dám bỏ làm, dù có 500 USD/tháng “điếc còn hơn đui”. Mà phải nói là tôi thuộc dạng không học được chứ không phải đổi thừa hoàn cảnh. Tôi đi học chỉ cho biết tiếng Mỹ chứ thiệt ra là tôi biết sức mình không thành ông này ông nọ được.
Sau 4 năm ở Mỹ, tôi đã đi làm cho một hãng điện tử và nhiều việc khác như bán điện thoại, rửa xe… Lúc này tôi hình như đã thành “cu li” toàn thời gian với vốn tiếng Mỹ gọi là đủ xài. Ghi chú thêm rằng nếu ai đi nước ngoài sống mà đem theo khoảng 300.000 USD thì xin thưa cuộc sống là thiên đường đấy. Là thiên đường thật sự không có ngoặc kép nhé! Vì sao? Vì đây: 30% lương sẽ vào tiền nhà, 20% lương vào chiếc xe (bảo trì, xăng và trả góp thì tăng thành 30%), 20% lương vào bảo hiểm sức khỏe và cho chú ngựa sắt, 20% lương vào tiền ăn, 10% lương vào lặt vặt như xà bông, kem đánh răng…
Công thức này dựa trên người kiếm được 2.000 USD/tháng sau thuế nên vì vậy người nào không có nhà sẽ rất là “thê thảm”. Ví dụ vợ chồng và một đứa con mỗi tháng tiêu pha 3.500 USD là ít nhất. Tiền nhà 1.100 USD/tháng, điện nước gas 120 USD /tháng, đi chợ 400 USD/tháng, xăng cho 2 xe 400 USD/tháng, bảo hiểm xe 150 USD/tháng/2 chiếc. Điện thoại và Internet 150 SD/tháng. Gửi con 400 USD/tháng, đồ lặt vặt 200 USD/tháng, bảo hiểm sức khỏe ít nhất 200 USD/tháng/gia đình, thuế xe 40 USD/tháng ( thực ra là tính năm nhưng tôi chia luôn cho tiện). Xài vặt như cuối tuần đi ăn phở hoặc cà phê, cà pháo khoảng 600 USD/tháng. Tổng cộng 3.760 USD/tháng/gia đình nếu không có nợ thẻ tín dụng!
Các bạn thấy chưa đây là mô hình gia đình nghèo ở Mỹ đó. Hai vợ chồng kiếm về tháng 3.800-4.000 USD chi tiêu xong là dư 200 USD, một năm dư 2.400 USD. Về Việt Nam mỗi lần mỗi người mất ít nhất 5.000 USD/tháng vé máy bay. Gia đình 3 người là ít nhất 10.000 USD/tháng. Các bạn thấy đó, mỗi Việt kiều muốn về Việt Nam một tháng họ để phải dành tiền rất lâu. Người Việt nghèo ở nước ngoài là vậy đó. Để dành 10 năm mới dám về một lần. Người giàu thì ít người nghèo thì đầy đường.
Hy vọng qua bài này các bạn hiểu thêm về Việt kiều.
Chí Vân Tâm
Leave a Reply