“Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng” (Chương VII)
Đây là một tác phẩm thực sự đáng đọc bởi sự sâu sắc của những suy ngẫm và sự lấp lánh của ngôn từ.
NuocMy.org xin trích đăng những chương nói về nước Mỹ, người Việt ở Mỹ và cuộc sống Mỹ.
Chương VII
New York bán tất cả những gì có trên thế gian này. Một trong những sở thích của tôi là đi bộ lang thang dọc các đường phố New York đến khi nào không thể đi được thì bắt taxi về khách sạn. Có thể nói, hầu hết tất cả các ngôi nhà mặt tiền của biết bao khu phố ở thành phố khổng lồ nhất thế giới này đều là cửa hiệu. Và trong những cửa hiệu ấy, chúng ta có thể mua được mọi thứ: từ sách thánh đến tạp chí Playboy, từ hiệu sách chỉ bán thơ đến cửa hàng bán súng, từ những tấm bưu thiếp sang trọng đến những dụng cụ tình dục quái đản…
Nhưng có hai thứ người ta bán để lại trong tôi hai cảm giác trái ngược nhau và đều làm cho tôi mất ngủ. Một cảm giác vùi tôi vào vực thẳm của sự kinh sợ. Đó là những cửa hiệu bán tất cả những gì phục vụ cho những người đồng tính. Một cảm giác che chở và đưa tôi thoát khỏi nỗi kinh sợ của vực thẳm kia. Đó là hình ảnh một chàng trai ngồi bán thơ của mình cũng trên đường phố ấy: phố Flecker. Đấy là hai mặt của tự do ở thành phố này. Tôi đã vào một cửa hiệu dành cho đồng tính nam và một cửa hiệu dành cho đồng tính nữ. Một Việt kiều là người quen của tôi hỏi: Ông viết những chuyện này mà không sợ trong nước nghĩ xấu về ông à ? Tôi trả lời: Không. Thực ra cho đến bây giờ tôi mới đủ lòng tin để nói điều này. Mười hay mười lăm năm trước thì không dám viết thật.
1 cửa hàng bán “đồ chơi” người lớn ở New York |
Thành phố Sidney của Australia có phố Kingcross nổi tiếng của chủ nghĩa tình dục. Người thành phố Sidney nói: Tất cả mọi người đều có quyền bước vào khu phố này. Vấn đề là khi từ khu phố đó bước ra người đó là ai và sẽ sống thế nào mới là điều quan trọng. Đời sống tình dục càng ngày càng thay đổi ngay cả ở những nước theo đạo phật. Việt Nam thì sao? Xin thưa đã thay đổi quá nhiều. Chúng ta không cần nói ra điều này vì mọi người đều biết cả.
Cửa hiệu đồng tính nữ có tên Quà Sinh Nhật. Thực ra lúc đầu tôi nhìn thấy dòng chữ dễ thương ấy thì bước vào chứ không hề biết trong ấy bán những gì. Nhưng khi vào rồi thì mới kinh hoàng nhận ra người ta bán những gì trong đó. Họ bán tất cả các bộ phận sinh dục nam giới để cho những đồng tính nữ mua về ân ái cùng nhau. Ngoài ra là sách, băng hình, băng nhạc và tất cả những gì thể phục vụ cho sinh hoạt tình dục của đồng tính nữ. Từng đôi, từng đôi nhân tình đồng tính bước vào. Không hề mặc cảm, không hề e thẹn, họ cùng nhau bàn bạc và cùng nhau chọn lựa đồ dùng cho cả hai chẳng khác gì hai vợ chồng đi mua sắm ngày chủ nhật ở Việt Nam.
Cửa hiệu đồng tính nam cũng vậy. Những đôi đồng tính nam dắt tay nhau, ôm eo nhau đi chầm chậm. ngắm từng dãy hàng. Tạp chí đồng tính nam in hình các đôi nam giới khoả thân ôm ấp nhau, hôn nhau đầy “say đắm”. Tôi thấy có cả những chàng trai châu Á. Và tôi tự hỏi trong những chàng trai châu Á kia có ai là người Việt Nam? Có thể có. Việc chụp ảnh khoả thân ảnh quảng cáo cho các tạp chí là một nghề ở Mỹ. Tất nhiên nó không phải là một nghề mà nhiều người chấp nhận. Tôi chỉ có thể đứng ở đó đôi ba phút và vội bước ra ngay. Hầu hết những người đồng tính ở Mỹ hay nhiều nước trên thế giới là do cách sống. Số người do bị bệnh từ lúc sinh ra chiếm một tỷ lệ thấp. Với những người ấy, tôi thấy thương cảm và muốn chia sẻ sự cảm thông với họ.
Năm 1991, tôi vẫn đi làm trong một thời gian dài bằng xe buýt trên tuyến đường Hà Đông – Bờ Hồ – Bát Cổ. Và trên chiếc xe buýt ấy, tôi đã gặp một người đồng tính. Đấy là một người đẹp trai, lịch sự và hiểu biết. Chúng tôi thường gặp nhau trên xe buýt và trở nên quen nhau. Thi thoảng anh lại cho tôi một bao thuốc, nói của một người thân đi công tác nước ngoài về cho. Anh thấy tôi hút thuốc và anh để phần tôi.
Rồi một hôm anh mời tôi về nhà chơi. Nhà anh ở phố Nam Đồng. Tôi đã đồng ý. Anh đưa tôi vào phòng anh. Chúng tôi nói chuyện về âm nhạc. Tôi nhớ anh đã mở đĩa hát cho tôi nghe một bản của Beethoven. Về âm nhạc thì anh hiểu biết quá nhiều so với tôi. Anh nhìn tôi trìu mến. Rồi anh cầm tay tôi và nói: Mình nói điều này có lẽ còn sớm và bất ngờ với Thiều, nhưng mình yêu Thiều. Tôi nhớ gương mặt anh lúc đó vừa đau khổ, vừa tội nghiệp, vừa lo sợ vừa chờ đợi. Thực ra tôi cũng không quá bất ngờ. Bởi khi bước vào phòng anh tôi đã bắt đầu nhận ra nhiều sự khác thường. Tôi đã từng biết những người đồng tính trong các quán cafe và quán ăn ở Cuba những năm trước đó. Tôi lặng người một lúc lâu. Tôi không có cảm giác sợ hãi. Nhưng một cảm giác rất lạ xâm chiếm tôi: một chút của căm ghét, một chút của hoang mang, một chút của thương cảm và một chút của buồn bã.
Tôi nói với anh rằng tôi rất hiểu và thương anh, nhưng tôi không thể làm cách nào được. Rồi tôi đứng dậy chào anh và bước ra cửa. Tôi bỗng dừng lại khi nghe tiếng anh bật khóc. Ra khỏi nhà anh, tôi đi lang thang mãi về đến tận bách hoá Thanh Xuân. Và từ ngày đó, tôi không đi xe buýt nữa. Có những lần đạp xe qua phố Nam Đồng, tôi nhìn thấy anh đang đứng đợi xe. Tôi muốn dừng lại để hỏi thăm và nói với anh một điều gì đó. Nhưng tôi đã không đứng lại. Tôi thấy anh chẳng có tội gì. Anh chỉ là nạn nhân của sự nổi giận của Đấng tạo hoá mà thôi. Anh khác những kẻ đồng tính khác. Rất nhiều nghệ sỹ Việt Nam đã lao vào cái trò chơi đồng tính. Họ không phải là nạn nhân như anh. Phần lớn họ là những kẻ thác loạn.
Rời khỏi những cửa hiệu kinh sợ kia, tôi lại lang thang trên phố Becker. Và tôi vô cùng ngạc nhiên khi nhìn thấy một thanh niên ngồi trên vỉa hè bán thơ. Lúc đầu tôi tưởng anh là một người vô gia cư ngồi bên lề đường để xin tiền lẻ của những người qua lại như những người vô gia cư và nghèo khổ khác ở New York. Nhưng đến gần, tôi nhận thấy trước anh là một tấm biển nhỏ có viết một dòng chữ: Poetry (Thơ). Dưới dòng chữ Thơ là giá một bài thơ: 25 cents per one poem (hai mươi lăm xu một bài), khoảng 3.500 đồng Việt Nam.
Anh sáng tác và chép tay những bài thơ của mình và đựng trong một chiếc giỏ. Tôi chào anh và ngồi xuống nhìn những bài thơ trong giỏ của anh. Một cảm giác thanh sạch dâng lên. Nó tẩy rửa tất cả những gì trong hai cửa hiệu đồng tính mà tôi vừa ra khỏi đó. Tôi hỏi anh mỗi ngày bán được bao nhiêu bài thơ? Anh nói có ngày anh đã bán được 100 bài và có ngày chỉ bán được dăm bài. Có những người tưởng anh dùng cách đó để ăn xin và họ ném cho anh mấy đồng xu lẻ rồi bỏ đi. Nhưng anh không hề tự ái hay nổi giận. Với anh, mỗi người cúi xuống cầm một bài thơ của anh và ra đi là một người bạn tri kỷ dẫu anh sẽ chẳng bao giờ gặp lại người ấy nữa. Họ là bạn đọc của anh. Bạn đọc của một thi sỹ không ai biết tên tuổi. Và số phận bài thơ không thuộc về anh nữa.
Tôi đã từng tâm sự với một vài người bạn thi sỹ rằng: chúng ta đã xuất bản những tập thơ của mình. Những tập thơ của chúng ta có lúc bị một số kẻ nguyền rủa, có lúc bị rơi vào im lặng. Nhưng đấy không phải là nỗi buồn của chúng ta. Chúng ta hãy sống và sáng tạo. Hãy đọc câu thơ của Brosky: Chỉ cần khóc, chỉ cần hát và chỉ cần sống. Tất cả là vậy. Và đến một lúc nào đó, có thể khi chúng ta đã giã từ thế gian, có một cô bé hoặc một cậu bé trong đau buồn, trong tuyệt vọng vô tình rút cuốn sách của chúng ta trong một góc mờ tối và bụi bặm của một thư viện nhỏ, mở ra và đọc. Rồi cô bé ấy hoặc cậu bé ấy gấp cuốn sách lại và ngồi im lặng, ngước nhìn bầu trời qua ô cửa sổ. Một giọt nước mắt lấp lánh trên gương mặt đang sáng dần lên. Tất cả chỉ có thế. Sứ mệnh của chúng ta chỉ có thế. Lặng lẽ như ánh sáng.
Sau một lúc trò chuyện với anh, tôi mua hai bài thơ của anh. Anh đưa chiếc giỏ đựng thơ của mình và bảo tôi tự chọn. Nhưng tôi không chọn. Anh mỉm cười và lấy ra hai bài thơ đưa cho tôi. Tôi mở ví lấy năm đô đưa cho anh và nói với anh không phải trả lại. Năm đô la chỉ mua được một phần tư đĩa DVD phim sex trong cửa hiệu đồng tính. Nhưng đấy là lòng tôn trọng của tôi đối với anh. Đấy như là một lễ vật nhỏ nhoi của tôi dâng tạ thi ca.
Thi ca, hay nghệ thuật nói chung là vậy, thường bị những hưởng thụ, những tham vọng và những điên loạn của đời sống hiện đại che khuất. Nhưng nó vẫn ẩn khuất ở đâu đây thật bình dị trong đời sống chúng ta và bất ngờ hiện lên. Nó làm cho chúng ta, như tôi là một ví dụ, thoát khỏi những kinh sợ của đời sống quá nhiều tăm tối, tham lam, độc ác, bạo lực và vô cảm.
Trở về khách sạn, tôi mở hai bài thơ ra để đọc. Một bài có tên là Những Giấc Mơ Thức Dậy và một bài có tên Cửa Sổ. Có lẽ chỉ rất ít người ở New York biết anh làm thơ. Và hai bài thơ của anh đã vạch ra một con đường dù vô cùng mỏng manh và mơ hồ nhưng sẽ dẫn ai đó đi qua được không ít nỗi kinh sợ của đời sống hiện đại của nhiều thành phố trên thế giới như New York. Một thành phố như New York, nếu không mang trong mình một tinh thần như tinh thần của thi ca thì con người không thể nào đi qua được thành phố ấy.
Hôm sau tôi trở lại tìm anh trên đường phố ấy. Tôi không tìm được anh. Anh lại lang thang đến một khu phố nào đó và ngồi xuống vỉa hè với những bài thơ của mình. Ngồi im lặng không mời chào với một tấm biển nhỏ đề một chữ Thơ. Anh làm vậy không phải để kiếm mươi đô la một ngày. Với sức khoẻ của mình, anh có thể dễ dàng kiếm một công việc nào đó ở New York với giá ít nhất 8 USA một giờ để nuôi thân. Nhưng anh đã chọn con đường của anh. Đêm đêm anh làm thơ để khi ban mai thức dậy anh lại mang những bài thơ chép trên những tờ giấy mỏng manh, khiêm nhường đến cho những ai đó. Anh giống như một nhà truyền đạo im lặng. Anh tên là Beua Jack Gilley. Và trong tâm trí tôi, anh là một thi sỹ đích thực của thành phố New York.
(Còn tiếp)
Leave a Reply