Nghề y tá và yêu cầu học để y tá ở Mỹ
Trình độ chuyên môn của một y tá Mỹ
Một y tá Mỹ nói chung phải qua một chương trình đào tạo 4 năm, tương đương với bằng cử nhân y khoa. Thực tế, vì tiêu chuẩn cao về tiếng Anh, toán và khoa học phổ thông, đa số các thí sinh dự tuyển vào ngành y tá phải học qua tại các trường cao đẳng cộng đồng (community college) 1-2 năm, mới vào được trường y tá. Như vậy, tóm lại, phải mất trung bình 5 năm mới học xong chương trình y tá ở Mỹ. Sau đó, phải thực tập hai năm, và phải thi để lấy bằng y tá ở cấp tiểu bang. Như vậy, một y tá ở Mỹ có học vấn và trình độ chuyên môn như một bác sĩ ở Việt Nam, nhưng được đào tạo trong môi trường và điều kiện của Mỹ. Nói không ngoa, một y tá ở Mỹ có kiến thức vững vàng và khả năng sử dụng các phương tiện y khoa hiện đại hơn hẳn một bác sĩ ở Việt Nam.
Cần phải nói thêm điều này, bằng bác sĩ ở Việt Nam, dù là bác sĩ rất giỏi, không có giá trị ở Mỹ. Tôi có một người bạn, là bác sĩ trưởng khoa tại một bệnh viện lớn ở TP HCM. Anh đến Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình năm 1998. Khi đến Mỹ, anh cố gắng đi học lại y tá, nhưng chỉ được một năm anh bỏ học vì không theo nổi tiếng Anh. Sau đó, anh cố gắng đi học điều dưỡng, nhưng cũng bỏ luôn. Gần như không có khả năng cho một bác sĩ ở Việt Nam có thể học lại thành công nghề nghiệp của mình. Một bác sĩ của Mỹ, ngoài chuyện phải là học sinh giỏi ở phổ thông, phải có bằng cử nhân sinh vật (mất 4-5 năm), sau đó nếu được xét vào trường Y, phải mất thêm trên 4 năm để lấy bằng tiến sĩ y khoa. Tốt nghiệp xong, phải thực tập hai năm và phải qua một kỳ thi của tiểu bang mới được cấp phép hành nghề y khoa, tức là bác sĩ.
Vai trò xã hội của một y tá Mỹ
Khi mấy cháu gái của tôi đến Mỹ học, tôi khuyên nên cố gắng theo học y tá. Cha mẹ của các cháu vốn là bác sĩ ở Việt Nam phản đối kịch liệt. Họ chỉ muốn cháu hoặc là bác sĩ, hoặc là quản lý kinh doanh. Tất nhiên là không học bác sĩ được, vì thiếu khả năng về trình độ lẫn tiền bạc. Cuối cùng, các cháu tốt nghiệp cử nhân quản trị kinh doanh (Business Management), là ngành “hữu danh vô thực”, ngay cả người Mỹ cũng khó mà kiếm được việc làm với ngành này, đừng nói chi là sinh viên ngoại quốc. Đa số sinh việt Việt Nam đến Mỹ đều học ngành này: Business Administration hay Business Management – ai cũng muốn làm giám đốc cả? Vì thế sau khi học xong vẫn không thể kiếm ra việc làm ở Mỹ, phải về nước. Lúc này các anh chị tôi ở Việt Nam mới ân hận, nhưng đã muộn. Tóm lại, đa số người Việt Nam chúng ta hiểu hoàn toàn sai về nghề y tá ở Mỹ.
Ở Mỹ, chẳng hạn tại tiểu bang California, một y tá vừa ra nghề đã có mức lương khởi đầu 45.000 USD – cao hơn hẳn một kỹ sư điện toán. Sau khi hành nghề vài năm, mức lương trung bình của một y tá khoảng 60.000 USD, cộng với nhiều phụ cấp khác như bảo hiểm sức khỏe, lương hưu, bảo hiểm nghề nghiệp… Điều đặc biệt là không hề có chuyện thất nghiệp đối với ngành y tá. Về phương diện gia đình, có một y tá là sự đảm bảo cho một đời sống ổn định ở mức tương đối khá giả. Nghề y tá vừa có thu nhập cao, ổn định, lại là một nghề “hot” nhất ở Mỹ, nên rất được trọng vọng. Đó cũng là nghề nghiệp có thể nói là dễ dàng nhất cho một sinh viên ngoại quốc được phép ở lại làm việc tại Mỹ. Và tất nhiên, về lâu dài, có thể chuyển qua thường trú nhân. Một nghề nghiệp với những đặc điểm thuận tiện như vậy, nhưng đa số người Việt Nam chúng ta lại không quan tâm và đánh giá sai, thật đáng tiếc!
Học y tá ở Mỹ
Mỗi một địa phương, khu vực, có cơ sở hoặc trường đào tạo y tá riêng, với những tiêu chuẩn đầu vào có vài đặc điểm riêng. Do đó, theo tôi, có hai cách để tìm hiểu cơ hội đăng ký vào các trường y tá. Thứ nhất, các em đang học tại các đại học cộng đồng nào đó, thì xin gặp trực tiếp chuyên viên hướng dẫn giáo dục (counselors) để tham khảo họ về trường học và các bước chuẩn bị đăng ký vào trường. Cách thứ hai, có thể tìm trên internet. Chỉ cần search chữ “Nurse School”, sau đó tìm các địa chỉ thuận tiện cho hoàn cảnh của mình. Tìm hiểu thêm tư cách của trường này bằng cách xác định từ thông tin của các hiệp hội giáo dục và y khoa của Mỹ. Cũng như tìm hiểu điều kiện tiêu chuẩn vào học trên mỗi website của trường, hoặc có thể điện thoại nói chuyện trực tiếp với họ.
Các sinh viên Việt nam muốn học y tá ở Mỹ phải chuẩn bị khả năng tiếng Anh thật tốt. Thông thường, yêu cầu về Anh văn khi bước vào trường y tá cao hơn đối với một đại học về các ngành thương mại hoặc kỹ thuật, tức là điểm TOEFL khoảng 200 (computer-base) hay 500 (paper-base). Hy vọng thông tin trên hữu ích cho quý vị cũng như các em sinh viên đang tìm hiểu để lựa chọn ngành học, cũng như về ngành y tá ở Mỹ.
Nguyễn Khánh Hưng
Leave a Reply