Harvrad – giấc mơ của mọi sinh viên trên Thế Giới
Giấc mơ của mọi sinh viên
Điều hấp dẫn đầu tiên về Harvard là trường đại học này có lịch sử dài hơn cả… lịch sử nước Mỹ: 372 năm. Tính đến đầu những năm 60, Havard đã đào tạo cho nước Mỹ 6 vị Tổng thống. Nhân vật nổi tiếng được trao bằng mặc dù chưa kết thúc thời gian học tập của mình tại đây chính là Bill Gates.
Ông Haji-Ioannou, cựu sinh viên, Chủ tịch hãng Vận tải biển Stelmar Tankers nói: “Tôi cho rằng mình đã đi trên đôi chân thật vững vàng, và tôi cảm ơn Harvard, vì trường và các giảng viên đã cho tôi không chỉ kiến thức, mà còn cho tôi nhiều hơn thế. Đó là lòng tự tin!”.
Một sức hấp dẫn lớn nhất nữa ở Harvard là: không phải chỉ vì có điểm cao chót vót bạn mới được nhận vào trường đại học danh tiếng này, mặc dù theo thống kê, thậm chí những học sinh có số điểm trung bình là 97,27 cũng bị trường Havard trả về.
Một sinh viên, con trai của đại sứ Mỹ tại Trung Quốc từng tâm sự: “Kết quả học tập hồi trung học của tôi cũng không phải thật xuất sắc, nhưng sau cuộc phỏng vấn tôi đã được nhận vào. Lúc ấy vị giám khảo đã nói: “Chúng tôi quan tâm đến việc anh sẽ đạt được những gì trong tương lai, chứ không phải là những việc mà anh đã đạt được trong quá khứ”.
Trường Harvard cho rằng, giáo dục đại học không phải là đào tạo ra một loạt những con mọt sách làm việc máy móc, mà là chỉ dẫn cho sinh viên biết cách làm thế nào để đi sâu nghiên cứu các lĩnh vực khác nhau. Bản thân thương hiệu này cần những “con người quốc tế”. Đó chính là những người có tầm nhìn mang tính quốc tế. Với bất cứ sinh viên nào, còn gì đẹp hơn ước mơ được cắp sách ở Cambridge và trở thành một “con người quốc tế” ở Harvard?
Thương hiệu người giảng dạy
Những giáo sư, tiến sĩ siêu nhất, hay những người nổi tiếng ở một lĩnh vực nào đó thường là đích nhắm của các trường đại học. Riêng với Harvard, tiền chưa bao giờ là vấn đề, vì thế, họ luôn có những giảng viên giỏi nhất, thậm chí là theo yêu cầu của sinh viên.
Ví dụ như trường hợp của Giáo sư sử học người Anh Niall Ferguson, được coi là người giảng lịch sử hay nhất thế giới. Lúc đầu, Đại học Oxford chèo kéo ông, sau ông quay sang Đại học New York, để rồi cuối cùng Harvard xuất hiện và đề nghị ông với một mức lương gấp… 6 lần hai trường kia.
Hiện nay, Harvard có hơn 100 giảng viên đến từ gần 20 quốc gia khác nhau, trong đó 47 giáo sư từng đoạt giải Nobel. Những “ngôi sao” giáo sư, tiến sĩ này là nền tảng tạo cho Harvard một thương hiệu khó trường nào sánh được.
Môn học Learning Style
Harvard rất đa dạng về các khoa nghiên cứu: Cổ Sinh học, Hoá học… và nhất là Kinh tế học. Là cái nôi đào tạo những giáo sư, tiến sĩ cho nước Mỹ. Trong tất cả các khoa của trường, một trong những môn học được coi là trọng tâm là “Learning style”, chuyên nghiên cứu về cách học cho mỗi sinh viên.
Nhiệm vụ của giảng viên trong môn học này là ngồi nói chuyện với càng nhiều sinh viên càng tốt. Qua đó, họ cảm nhận được tâm lý, trình độ, tính cách của mỗi người, rồi đưa ra những cách học hiệu quả nhất cho sinh viên. Đây cũng là môn học được đa số sinh viên yêu thích, bởi qua mỗi tiết học, họ lại có thể hiểu rõ hơn về chính mình mà lại được giao lưu với bạn bè, thầy cô giáo. Phần lớn, sinh viên đều có thể tự đưa ra những phương pháp thích hợp cho mình, chính vì vậy, sinh viên của Harvard có khả năng tự học cực tốt. Harvard còn có một loại học bổng dành cho những phương pháp tự học được ứng dụng tốt nhất.
Harvard trả tiền để bạn… đi học
Do học phí quá cao (nhất nước Mỹ), không phải ai cũng có thể theo học ở đây. Nhưng có lẽ trên thế giới, không trường đại học nào có nhiều chế độ ưu đãi như ở Harvard. Đã từng bị coi là trường đại học cao cấp, chỉ dành cho tầng lớp thượng lưu da trắng của Mỹ nhưng nhiều năm trở lại đây, Harvard đã có những thay đổi tích cực về vấn đề nhạy cảm này.
Sinh viên có hoàn cảnh khó khăn (thu nhập gia đình dưới 40.000 USD/năm) đặc biệt là những sinh viên da màu được hỗ trợ từ 50 đến 80% học phí và giảm các khoản đóng góp. Cụ thể, nếu gia đình bạn chỉ có mức thu nhập là 80.000 USD/ năm, thì mỗi năm bạn chỉ phải đóng 15.000 USD, Harvard sẽ trợ cấp cho bạn 21.000 USD. Hiện 2/3 số sinh viên trường đang nhận ít nhất một loại trợ cấp tài chính nào đó.
Về học bổng, ngay tại Harvard cũng đã có đến mấy chục loại học bổng. Ngoài ra, chương trình học bổng của Harvard còn mở rộng khắp thế giới, đặc biệt ưu đãi với những nước đang phát triển, nơi có mỏ chất xám dồi dào chưa được khai thác hết vì thiếu tiền. Harvard đã trao học bổng cho hoa hậu Mỹ năm 2002, Erika Harold ngay khi được biết cô có mong muốn trở thành luật sư.
Ký túc xá kiểu… Harvard
Harvard giờ đây không chỉ được biết đến như một trường đại học, mà thực ra là cả một khu downtown với rất nhiều tòa nhà, hệ thống giao thông, nhà sách và các trung tâm mua sắm. Tất cả các tòa nhà ở đây đều có đặc điểm là được xây bằng gạch đỏ với lối kiến trúc cổ xưa mang đậm chất hàn lâm. Những con phố nhỏ và ngắn tạo nên một cảm giác yên tĩnh và rất thanh bình. Phương tiện đi lại chủ yếu của sinh viên là xe đạp.
Ở phía gần cổng có một chỗ để xe đạp vì phía sâu bên trong chỉ cho phép đi bộ mà thôi. Có thể dễ dàng nhận thấy là ở đây hầu như không có chuyện giữ xe như ở Việt Nam, chỉ có một bảng báo hiệu cho biết chỗ này là khu vực để xe và mọi người cứ xếp xe vào đó thôi, có khóa lại nhưng nhìn chung tất cả đều rất ý thức và nhẹ nhàng.
Khung cảnh Harvard thực sự rất thơ mộng và cổ kính, các tòa nhà, giảng đường và thư viện được bố trí trong một khuôn viên rất rộng. Những bộ phim trước đây nói về trường Harvard (ví như Chuyện tình Harvard chẳng hạn) thực ra chưa bao giờ được quay ở Harvard thực cả, bởi người ta không cho phép quay phim trong này.
Ở đây có bức tượng nổi tiếng của John Harvard, người sáng lập ra trường đại học Harvard – thường được khách du lịch đến đây và… sờ vào giày của tượng vì cho rằng điều đó sẽ đem lại kiến thức và học vấn cho mình. Trường có sân chơi cùng một sân bóng chày khổng lồ với sức chứa 40.000 người. Ngoài ra, thư viện của Harvard có 15 triệu đầu sách và là thư viện trường học lớn nhất thế giới.
Leave a Reply