Hai ngành đại học đầu tiên của Việt Nam công bố đạt chuẩn ABET
Ngày 4/11, Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã chính thức công bố kết quả kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn ABET của 2 ngành Khoa học Máy tính và Kỹ thuật Máy tính.
Theo phó giáo sư, tiến sỹ Vũ Đình Thành – Hiệu trưởng nhà trường, Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh là trường đại học đầu tiên tại Việt Nam được ABET công nhận chất lượng đào tạo và là một trong số ít các trường đại học khu vực Đông Nam Á có các chương trình học đạt chất lượng này.
ABET (Accreditation Board for Engineering and Technology) là một tổ chức kiểm định chương trình đào tạo được thành lập từ năm 1932 bởi các hiệp hội ngành nghề của Mỹ. Đây là tổ chức kiểm định có uy tín trong cộng đồng quốc tế, được công nhận bởi Ủy ban Kiểm định đại học (Council for Higher Education Accreditaion – CHEA) của Mỹ.
Hiện ABET đã cấp chứng chỉ kiểm định cho khoảng 3.367 chương trình đào tạo của hơn 684 trường đại học ở 24 nước trên thế giới trong đó có nhiều trường nổi tiếng thế giới như Stanford, Havard, MIT… Từ năm 2007, tổ chức này chính thức cấp chứng chỉ kiểm định cho các chương trình đào tạo của các trường đại học ngoài nước Mỹ.
Với chuẩn ABET, các kỹ sư tốt nghiệp từ 2 ngành này không những sẽ được công nhận ngành nghề ở tầm quốc tế mà còn được mở ra con đường làm việc, trao đổi bình đẳng và trở thành nhà lãnh đạo của doanh nghiệp trong tương lai.
Phó giáo sư, tiến sỹ Vũ Đình Thành cho biết, thành quả này là một trong những cột mốc ý nghĩa trong lịch sử 57 năm phát triển của trường Đại học Bách Khoa với mục tiêu xây dựng trở thành Đại học định hướng nghiên cứu ở Việt Nam và trong khu vực ASEAN.
Đây cũng là một mục tiêu chiến lược khi khối ASEAN sẽ trở thành nền kinh tế khu vực chung kể từ năm 2015. Phát biểu tại buổi lễ, bà Rena Bitter – Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết rất tự hào với những kết quả đã đạt được của trường Đại học Bách Khoa. Đây là kết quả của sự hợp tác, không chỉ với Chính phủ và giới đại học Hoa Kỳ mà còn với các doanh nghiệp Hoa Kỳ như Boeing, Intel, IBM, Siemens và các doanh nghiệp khác.
Sự hợp tác giữa khối doanh nghiệp tư nhân với khối giáo dục đảm bảo cho các sinh viên tốt nghiệp có những kỹ năng mà doanh nghiệp cần, không chỉ là để có công việc lương cao sau khi tốt nghiệp mà còn để đủ năng lực góp phần vào sự phát triển của Việt Nam.
Bà Tổng lãnh sự cũng khẳng định, những chương trình như trên đang đưa hai nước Hoa Kỳ và Việt Nam lại gần nhau hơn và trên cơ sở đó sẽ hoàn thiện nền kinh tế của hai nước cũng như cuộc sống của các thế hệ mai sau./.
Gia Thuận/ TTXVN
Leave a Reply