Giáo sư Trịnh Xuân Thuận (1948- )
Điều đặc biệt ở GS Trịnh Xuân Thuận là ông nghiên cứu khoa học bằng tiếng Anh nhưng viết sách lại bằng tiếng Pháp, và lối hành văn của ông kết hợp cả sự chặt chẽ khoa học của tiếng Anh và tính duy mỹ của tiếng Pháp. GS Trịnh Xuân Thuận được giải thưởng Moron 2007 của Viện Hàn Lâm Pháp. Năm 2009, ông được UNESCO trao giải thưởng Kalinga vì các đóng góp trong việc đại chúng hóa khoa học. Ông hiện là giáo sư ngành Vật lý Thiên văn tại ĐH Virginia, Mỹ.
Sinh ra tại Hà Nội, Trịnh Xuân Thuận lúc sáu tuổi theo gia đình di cư vào Nam rồi lớn lên ở Sài Gòn. Ông học Trường Yersin (Lycée Yersin) tại Đà Lạt (địa điểm nay là Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt), và Trường Jean Jacques Rousseau (nay là Trường PTTH Lê Quý Đôn) tại Sài Gòn.
Năm 1966, sau tú tài, ông rời Sài Gòn đi du học Thụy Sĩ, và sau đó được nhận một học bổng du học tại Hoa Kỳ.
Ông đã theo học ngành vật lý thiên văn tại Học viện Kỹ thuật California (California Institute of Technology) từ 1967 đến 1970, và tại Đại học Princeton từ 1970 đến 1974. Ông bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Princeton. Từ năm 1976, ông là giáo sư ngành này tại Đại học Virginia. Ông cũng là giáo sư thỉnh giảng tại Viện Đại học Paris VII (Université Paris VII – Diderot)
Ngày 2-12, GS Trịnh Xuân Thuận cùng phu nhân đã về đến sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM trong chuyến thăm lại quê hương Việt Nam, chuyến thăm do NXB Tri thức tổ chức sẽ kéo dài đến ngày 25-12-2011.
Ngày 3-12, GS sẽ rời TP.HCM để đến Đà Lạt chuẩn bị cho cuộc nói chuyện vào đầu tuần tại trường học cũ của ông là trường Yersin – nay là Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt. Trong lịch trình, GS sẽ có cuộc gặp gỡ với Bà Nguyễn thị Bình, nguyên Phó chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh, nhà văn Nguyên Ngọc, chủ tịch hội đồng khoa học quỹ, Giám đốc NXB Tri thức Chu Hảo, gặp gỡ nhiều nhà trí thức, nghiên cứu…
Đặc biệt, GS sẽ có nhiều thời gian trò chuyện với bạn trẻ tại ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH FPT, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Phan Châu Trinh, ĐH Qy Nhơn, ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Hoa Sen, Trung tâm SEAMEO…với các chủ đề Khoa học và phật giáo, Vị trí của con người trong vũ trụ,Phổ biến khoa học hay khoa học và đam mê…
Tại các địa điểm, GS cùng NXB Tri thức, dịch giả Phạm Văn Thiều, sẽ giới thiệu ra mắt bản tiếng Việt cuốn Từ điểm ham mê bầu trời và các vì sao của GS. Cách đây 7 năm, tháng 8- 2004, ông có về thăm Việt Nam và có những buổi nói chuyện về vũ trụ và vật lý thiên văn tại Hà Nội và TP.HCM.
Leave a Reply