“Giấc mơ Mỹ” không hề có lỗi
Bài viết của tác giả Kyle Spencer nêu lên một thực tế, số học sinh gốc Á ở các trường trung học công xuất sắc của New York ngày càng đông nhờ sự chuẩn bị tốt cho bài thi đầu vào – một kiểu thi cử truyền thống của hệ thống giáo dục các nước châu Á. Tuy nhiên, quy định tuyển sinh này của một số trường lại chưa nhận được sự ủng hộ của nhiều người Mỹ – những người vốn đề cao tính sáng tạo, sự tự tin, các kỹ năng mềm – thứ mà một bài kiểm tra hầu như không thể mang lại. Ngoài ra, phương pháp tuyển sinh này cũng không mấy được lòng những người da đen, gốc Tây Ban Nha nghèo khó, những người nhập cư không có khả năng tài chính chi trả cho các lớp học thêm, ôn thi của con cái.
Thi cử không tạo ra phát minh
Nhiều độc giả của New York Times cho rằng hình thức tuyển sinh chỉ qua một bài thi này không giúp trẻ học các kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo, sự tự tin…, vì thế sẽ không phát hiện được nhiều đứa trẻ thông minh và có tiềm năng. Những học sinh trúng tuyển chỉ là những người chuẩn bị tốt nhất.
Một bạn đọc tới từ New Jersey đánh giá: “Thật buồn khi thi cử được cho là cách duy nhất để đo lường cái được gọi là trí thông minh”. Là một người từng làm việc tại Seoul, Hàn Quốc, anh đã rất ngạc nhiên về sự chăm chỉ của người Hàn Quốc. “Họ có thể sản xuất những chiếc xe đẹp, tivi màn hình lớn và nhiều thứ khác – những thứ mà họ sao chép từ những người thông minh hơn (thường là người Mỹ). Nhưng họ có tự mình phát minh ra thứ gì không? Tôi nghi ngờ điều đó. Cũng tương tự như ở Trung Quốc hay Ấn Độ. Phát minh ra cái gì đó mới mẻ liên quan đến một loạt những kỹ năng hoàn toàn khác nhau – điều mà một bài thi sẽ không bao giờ nhận ra ở một đứa trẻ”.
Peter Kyle thì cho rằng giáo viên nào cũng biết một sự thật là những đứa trẻ thông minh thường lười học. Anh băn khoăn trước câu hỏi: Liệu có phải chúng ta đang sẵn sàng gạt những đứa trẻ đó sang một bên để ủng hộ những đứa trẻ bị gây áp lực từ khi còn rất nhỏ? Trong khi đó, một bạn đọc tới từ Brooklyn, New York đưa ra gợi ý “có rất nhiều trường trung học khác ở New York rất tốt mà không yêu cầu làm bài thi đầu vào”.
Là một phụ nữ da đen – nhóm người đang ngày càng “thất thế” trong các trường công, chị Anon cho rằng cộng đồng của mình cần phải làm một cuộc khảo sát: “Tại sao quá ít trẻ của chúng tôi thành công trong kỳ thi này và chúng tôi có thể làm gì để thay đổi điều đó? Tại sao quá ít người trong số chúng tôi tận dụng được lợi thế của các lớp ôn thi miễn phí?”
Một độc giả từng học ở Stuyvesant – trường trung học hiện đang có 72% sinh viên gốc Á – cho rằng mặc dù chuẩn bị cho kỳ thi cũng chính là chuẩn bị cho cuộc sống, nhưng cũng phải thừa nhận: “Một số trẻ da đen ở trường trung học nói với tôi rằng chúng thấy xấu hổ khi phải nói với mọi người rằng chúng học ở Stuyvesant. Những đứa trẻ ở Stuyvesant có tiếng là sống thu mình, nhút nhát và giao tiếp kém”.
“Bài thi đầu vào có sự công bằng nhất định của nó. Nhưng chưa phải là một biện pháp hoàn hảo để đánh giá khả năng thành công trong tương lai. Thi đầu vào chỉ chiếm chưa đến 50% yếu tố quyết định việc trúng tuyển. Nó sẽ không thúc đẩy sự đa dạng dân tộc vì đó là một biện pháp giới hạn” – một độc giả khác nhận xét. Anh cho rằng thi cử sẽ không phát hiện được những tài năng khác như lãnh đạo, hội họa, ca hát, giúp đỡ người khác.
Người Mỹ ủng hộ điểm số
Trái ngược với quan điểm này, nhiều người nhập cư gốc Á, thậm chí là chính người Mỹ lại cho rằng không có lý do gì để đổ lỗi cho những con người nghèo khó, làm việc chăm chỉ cả đời với hi vọng con cái sẽ có một tương lai tươi sáng hơn. “Giấc mơ Mỹ” của họ là hoàn toàn chính đáng. Với những người ủng hộ, chính sách tuyển sinh qua thi cử này hoàn toàn công bằng, đòi hỏi sự chăm chỉ, nỗ lực và cống hiến.
Nhiều người Mỹ gốc Á đã chia sẻ với hoàn cảnh của cậu học sinh gốc Trung Quốc Ting Shi. “Tôi mệt mỏi với việc người Mỹ gốc Á cứ mãi bị dèm pha vì tin vào giấc mơ Mỹ… Mọi thứ không phải toàn màu hồng với sinh viên châu Á ở Mỹ. Cha mẹ tôi đã làm mọi thứ để tôi được học hành tốt nhất. Họ làm việc không biết mệt mỏi để chi trả cho những lớp học ôn thi, violin, tennis”.
Kate Koza tới từ New York cho rằng: “Tôi luôn thấy việc than thở về sự bất công, chênh lệch giới tính hay chủng tộc trong trường học thật nực cười. Những gia đình được đề cập trong bài viết không phải là người giàu, con cái họ không có lợi thế đặc biệt. Họ là những người lao động kỳ vọng nhiều vào con cái và sẵn sàng hy sinh một khoản tiền nhỏ cho việc ôn thi để tăng cơ hội vào các trường công tốt.
Thực sự, tôi không quan tâm nếu 100% học sinh trúng tuyển năm nay đều thuộc một chủng tộc, dù là châu Á, Tây Ban Nha, da đen hay da trắng”. Kate cho rằng thi đầu vào là một phương pháp tuyển sinh đáng tin cậy và những suất học nên được trao cho những người có điểm số cao nhất, bất kể chủng tộc nào. Một cư dân New York khác cũng đồng tình với ý kiến này. Harlem nói: “Thay vì chê trách những gia đình châu Á, hãy nhìn vào phương pháp của họ và thích nghi với nó nếu bạn muốn con cái mình cũng có một suất”.
Phản ứng với chi tiết ở đầu bài viết: “Gia đình Shi – cũng giống như nhiều gia đình châu Á khác – những người đã nói về kỳ thi này trong các cuộc phỏng vấn hồi tháng trước – đã không phủ nhận việc chuẩn bị cho kỳ thi phổ biến này. Ngược lại, dường như họ còn nói về những nỗ lực của mình bằng sự tự hào”, Douglas Shaw châm biếm: “Chẳng lẽ New York Times đang ám chỉ rằng họ phải xin lỗi vì đã làm việc chăm chỉ?”.
Một số quan điểm cho rằng việc ôn thi của học sinh không chỉ để trúng tuyển mà đó là sự chuẩn bị cho 4 năm học tiếp theo. “Kỳ thi này không hoàn hảo nhưng tôi nghĩ rằng nó là một yếu tố dự báo hợp lý về khả năng và tiềm năng của một học sinh” – một độc giả tới từ Harvard nhận định.
Văn hóa và lịch sử tạo tâm lý sống còn
Một lý do cốt lõi và quan trọng khác giải thích cho sự thành công vượt trội của người châu Á trong các bài thi học thuật đến từ văn hóa. Nhiều người Mỹ từng sống ở Trung Quốc và chính những người nhập cư tới từ đất nước này thừa nhận rằng thi cử ở quê hương họ là điều hết sức bình thường. Từ nhỏ, trẻ đã phải học hành vất vả để hoàn thành các loại bài thi. Thi cử không phải là chuyện xa lạ và trẻ em thích nghi rất nhanh với việc học ngày học đêm, ôn thi.
Hơn nữa, người châu Á có truyền thống con cái phụng dưỡng cha mẹ khi về già, chính vì thế áp lực phải có một công việc tốt, một thu nhập cao ăn sâu vào tâm trí họ. Cha mẹ cũng sẵn sàng làm bất cứ điều gì để thúc giục, tạo động lực cho con cái. Các thành viên trong gia đình là một tập thể. Họ có chung một mục đích và cùng nhau nỗ lực vì mục tiêu đó. Họ đề cao tính tập thể hơn là cá nhân.
Độc giả Chei cho rằng lịch sử đất nước cũng là một nhân tố tạo nên tính cách, thói quen và quan điểm của người châu Á. “Nhiều người châu Á đã trải qua chiến tranh trên chính mảnh đất của mình và họ phải vật lộn với khó khăn đã quá lâu. Việc đảm bảo một cuộc sống tốt hơn cho con cái gần như là mong muốn đầu tiên của họ”.
Nguyễn Thảo (tổng hợp)
Leave a Reply