Cuộc sống của người Việt xa quê hương
Thu nhập bình quân của họ có thể nói là ổn định, vào khoảng 20.000 đến 40.000 USD một năm. Tại Mỹ đây là thu nhập dưới mức trung bình. Thống kê thu nhập bình quân đầu người tại Mỹ năm 2008 vào khoảng 50.000 USD/năm. Có nghĩa là đa phần người Việt ở Mỹ thuộc tầng lớp thấp trong xã hội đa sắc tộc tại đây. Tôi chỉ ước tính theo tình hình chung, lấy đa số. Dĩ nhiên vẫn có thiểu số người Việt vươn lên bằng khả năng thực, làm việc trong những chuyên ngành với mức thu nhập cao trên 100.000 USD một năm (máy tính, tài chính ngân hàng, y học …), nhưng chỉ là thiểu số.
Vậy sự khác biệt cơ bản giữa cuộc sống tại Mỹ và tại Việt Nam là ở giá trị đồng tiền kiếm ra. Vẫn cùng một công việc phụ bếp hay làm móng tay, một người tại Mỹ có thể lái xe hơi, ở một ngôi nhà đẹp có khoảng sân vườn rộng và garage để xe, sắm một chiếc tivi màn hình lớn…. Còn người ở Việt Nam chỉ đủ sống và mua được một chiếc xe máy. Với thu nhập như vậy người đó không thể so sánh với người bản xứ nhưng nếu đem số tiền đó về Việt Nam thì người đó bỗng trở thành phú hộ giàu có.
Còn một sự khác biệt lớn giữa xã hội Mỹ và Việt Nam đó là vai trò của chính phủ trong cuộc sống của người dân. Tại Mỹ khi bạn thuộc tầng lớp low income (thu nhập thấp dưới tiêu chuẩn sống), bạn sẽ được chính phủ cung cấp food stamp (một chiếc thẻ như thẻ tín dụng để bạn mua thức ăn mỗi tháng với hạn mức tiền ấn định trước), cash aid (hỗ trợ tiền mặt), cash aid for unemployee (tiền thất nghiệp), tax refund (hoàn trả thuế – có khi nhiều hơn nhiều lần số tiền bạn đã đóng thuế) SSI for disability (tiền cho người mất khả năng làm việc, cho người già..). Ngoài ra còn có medicaid (bảo hiểm y tế) giúp bạn được chăm sóc sức khỏe một cách tốt nhất.
Hệ thống giáo dục phổ thông được chính phủ chi trả hoàn toàn. Lên đại học bạn có thể mượn tiền không lãi suất để theo học bất kỳ ngành nghề nào bạn muốn. Thậm chí nếu không đúng tuổi đi học bạn còn được cho tiền để khuyến khích hoàn tất chương trình đại học. Đó là những tiện ích xã hội mà Việt Nam còn rất lâu mới có thể thực hiện được. Do vậy người Việt Nam tại Mỹ có thể yên tâm cho tương lai của con cháu tại Mỹ, được thừa hưởng những lợi ích xã hội tốt nhất để vươn lên và thành công .
Tuy nhiên một người sống tại Mỹ phải cần xác định họ phải làm việc. Dù là làm bất cứ công việc gì thì họ cũng phải cố gắng làm việc. Nếu không họ sẽ rất vất vả trong việc chi trả chi phí sinh hoạt đắt đỏ đặc biệt là tiền nhà. Chính phủ Mỹ chỉ hỗ trợ khi bạn gặp khó khăn thật sự. Cơ cấu xã hội Mỹ và những chiếc bẫy tín dụng từ ngân hàng buộc người ta phải làm việc để có được một cuộc sống tốt. Bạn kiếm ra càng nhiều tiền thì bạn càng phải đóng thuế nhiều. Ngân hàng sẽ cho bạn mượn tiền để mua nhà, xe hoặc bất cứ thứ gì bạn muốn. Nhưng để hoàn toàn sở hữu những thứ đó bạn phải làm việc trong một thời gian tương đối dài. Đó là cách mà xã hội Mỹ vận hành.
Làm việc, kiếm tiền, mua tài sản (hay tiêu sản) rồi lại phải làm việc, trả nợ… một cái vòng tuần hoàn. Áp lực cuộc sống buộc mọi người phải làm việc liên tục. Điều đó dẫn đến xã hội làm ra của cải vật chất nhiều hơn, giúp xã hội phát triển hơn. Nhiều người gọi đó là xã hội đồng tiền, hay xã hội với khẩu hiệu “làm việc là sống, sống là để làm việc”. Thứ áp lực đó không có ở xã hội Việt Nam. Do vậy để nói sống trong xã hội nào là hạnh phúc hơn là tùy ở suy nghĩ và định hướng của mỗi người. Một số người sẽ thành công ở Mỹ nhưng một số khác sẽ lại hạnh phúc hơn nếu sống ở Việt Nam.
Vũ Đạo
Leave a Reply