Chuyện người Việt ở San Jose
Người Mỹ gọi San Jose là Thung Lũng Điện Tử vì nơi đây tập trung rất nhiều hãng điện tử nổi tiếng. Hầu như tất cả những sản phẩm điện tử mới nhất trên thế giới hiện nay đều ra đời từ đây. Còn người Việt thì gọi San Jose là Thung Lũng Hoa Vàng vì đây vừa là nơi có rất nhiều hoa dại màu vàng vào mùa xuân và cũng nhằm ngụ ý đất lành chim đậu. Sau 35 năm rời quê hương và sinh sống ở San Jose, đã không có ít người Việt thành danh nơi đây. Có những người là luật sư, bác sĩ, kỹ sư điện toán, cảnh sát trưởng, và cả nghị viên của chính quyền thành phố.
Hầu như người Việt hơn 18 tuổi khi đến Mỹ ai cũng bắt đầu cuộc đời bằng việc đăng ký đi học tiếng Anh, học lái xe và tìm cho mình một công việc lao động chân tay tạm thời trước khi bắt đầu một công việc lao động trí óc. Bên cạnh đó cũng có một số phụ nữ Việt Nam chịu an phận ở nhà làm nội trợ mặc dù ở Việt Nam họ từng có những công việc mà ai cũng thèm muốn. San Jose có rất nhiều trung tâm dạy ngoại ngữ và nghề miễn phí gọi là Adult Education hay Vocational School, cũng có một số nơi thu học phí ở mức tượng trưng. Tại những trung tâm này anh chị em gặp nhau và những người đi trước sẽ chỉ cho những người mới đến cách xin phúc lợi xã hội (Welfare), Housing, Food Stamp hoặc bảo hiểm miễn phí. Người Mỹ tạo ra những chương trình này nhằm giúp đỡ mọi người dân có điều kiện hòa nhập xã hội. Trong ánh mắt của người Mỹ, những người thanh niên trai tráng, những người có sức khỏe mà vẫn nộp đơn xin trợ cấp từ chính phủ là những kẻ cắp, những kẻ vô dụng hơn cả những người làm trò vui bên vỉa hè để xin tiền.
Ngược lại, không ít người Việt coi việc lãnh tiền của chính phủ là niềm tự hào. Một số người sau khi có công việc ổn định, sếp muốn tăng lương, tăng chức nhưng vẫn từ chối vì sợ chính phủ cắt trợ cấp. Đó chính là những kẻ hôi của giấu mặt. Có cả những trường hợp, cha mẹ sợ con cái mình đi học không được nhận tiền trợ cấp của chính phủ (Financial Aid) nên cũng chẳng dám thăng quan tiến chức để khỏi phải khai thuế nhiều, khai thu nhập cao, miễn sao con mình đi học được hưởng tiền trợ cấp. Đó là lối suy nghĩ khá “kỳ quặc” của đa số người Việt ở Mỹ dưới con mắt của những người công dân Mỹ mang chủng tộc khác.
Bằng lái xe là một thứ rất cần thiết cho mỗi người dân sống ở Mỹ vì nếu không biết lái xe sẽ rất bất tiện cho bạn trong việc đi lại và di chuyển. Học lái xe ở California rất sướng, có nhiều ngôn ngữ để cho dân nhập cư lựa chọn. Mức học phí cũng rất cạnh tranh. Nhưng không riêng gì ở California mà ngay cả các bang khác ở Mỹ, luật lái xe rất nghiêm ngặt, nếu bạn vi phạm, bị phạt tiền khá nặng tùy theo mức độ.
Trong năm đầu tiên, dân nhập cư nếu muốn đi học lên hay học lại cao đẳng/đại học thì rào cản lớn nhất là học phí. Học phí năm đầu tương đương giá dành cho du học sinh. Thôi đành kiếm một công việc lao động chân tay hay là làm bồi bàn vậy vì đó là công việc dễ kiếm nhất ở nơi đây trừ nghề làm nail. Nghề làm nail là nghề phổ biến và được xem là nghề dễ kiếm sống nhất của người Việt ở Mỹ. Nhưng những năm gần đây, nghề nail có xu hướng “thất thời” cho nên đã không ít người Việt ở California mà cả các bang khác ở Mỹ dần dần bỏ nghề để tìm cho mình một hướng đi khác như mở nhà hàng Việt Nam. Bồi bàn cho nhà hàng Mỹ thì không được vì trình độ tiếng Anh chưa có. Bồi bàn cho nhà hàng Việt thì không biết bao nhiêu nước mắt đã phải chảy ngược trong lòng.
Chủ nhà hàng Việt mỗi tháng kiếm được từ vài ngàn đến vài chục ngàn, một phần không nhỏ là nhờ bóc lột đồng hương. Người Mỹ có thói quen cho bồi bàn tiền boa (tip). Không ít chủ nhà hàng không cho nhân viên của mình giữ phần tiền boa này và nếu nhân viên nào bị bắt gặp là giữ lấy những cái gì thuộc về mình đều bị cho là những kẻ cắp và sẽ bị đuổi việc ngay. Những người chủ vô lương tâm này đúng là vừa ăn cắp vừa la làng. Chưa từng có người Việt nào dám đứng ra kiện chủ của mình về vấn đề tiền boa như người Hoa từng kiện Starbucks, cuối cùng Starbucks phải thua kiện hơn 100 triệu đô.
Nhân viên không kiện vì một phần họ nhận tiền mặt, một phần là du học sinh chưa được phép đi làm và một phần họ sợ mất việc cũng như ngại đối mặt với tòa án. Tuy là công việc tạm thời nhưng cũng kiếm được đồng ra đồng vô, có người trò chuyện thay vì tù túng trong bốn bức tường ở nhà. Những người chủ này cuối tuần đi cúng chùa coi nhưng là một cách rửa tiền hợp pháp và giúp lương tâm bớt bị cắn rứt. Người Việt ở San Jose thuộc nhiều thành phần, nhiều tầng lớp của xã hội Mỹ. Nhưng đa phần họ là kỹ sư trong các hãng điện tử ở vùng thung lũng Silicon này. Không biết vì người Việt cảm thấy không dễ dàng trút những cơn giận lên những dân tộc khác hay vì lý do nào khác nên họ tìm mọi cách trút cơn giận lên những người đồng hương của mình. Một anh bạn sales người Mỹ của tôi đã từng kể cho tôi nghe anh ta chứng kiến người quản lý Việt Nam nhổ lên mặt nhân viên của mình tại một công ty điện tử lớn tại San Jose. Anh ta nói anh ta sẽ không để yên nếu người quản lý đó làm việc tại công ty của anh ta và đối xử với anh ta như vậy. Anh ta cứ hỏi tôi không biết người nhân viên Việt đó có đủ dũng cảm để kiện người quản lý thiếu tình người đó hay không.
Ở Mỹ, mua bảo hiểm là một việc bắt buộc mà mỗi công dân phải làm. Có rất nhiều loại bảo hiểm trong đời sống hàng ngày mà mình phải mua như bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm xe cộ, bảo hiểm nhà cửa… Những gia đình không thuộc diện thu nhập thấp sẽ cảm thấy đau đầu về vấn đề bảo hiểm y tế. Mỗi gia đình hằng tháng có thể tốn từ 450 USD đến 1500 USD để mua bảo hiểm y tế. Giá cả tùy thuộc vào chương trình bảo hiểm mà mình chọn và độ tuổi của người mua bảo hiểm. Thực ra, người chủ gia đình mua bảo hiểm cũng không có thời gian đi khám bệnh vì bận phải kiếm tiền trả tiền hóa đơn hằng tháng trong đó có tiền bảo hiểm. Một số công ty mua bảo hiểm sức khỏe cho nhân viên mình, nhưng không phải ai cũng may mắn vì điều đó. Nếu bạn mua bảo hiểm chung với công ty, giá có thể rẻ hơn, công ty sẽ trừ tiền bảo hiểm vào paycheck của bạn.
Ở những bang khác, mùa đông cỏ trở nên héo úa, đâu đâu cũng phủ đầy tuyết trắng xóa, đặc biệt là ở miền đông bắc nước Mỹ. Ngược lại ở California – tiểu bang đông dân nhất nước Mỹ, mùa đông cỏ mọc xanh rì trên những ngọn đồi. Rồi xuân đến với hoa vàng (mustard) mọc khắp hai bên đường cao tốc (freeway). Hoa đào sau một mùa nắng nóng, được tiếp thêm nước từ những cơn mưa mùa thu hiếm hoi bắt đầu trổ bông. Bông đào yểu điệu, yếu đuối, chỉ cần một cơn gió nhẹ rụng nhiều vô kể. Hoa nhiều vô kể, đẹp mê hồn nhưng nếu cắt đem vô nhà trưng thì bị héo thật nhanh. Mùa thu, California có những cơn mưa rào thoáng qua. Mưa chỉ đủ đánh thức cỏ trên đồi trổ mầm xanh. Miền bắc California uống nước từ tuyết tan chảy. Miền nam vùng Los Angeles vì dân số đông và tập trung hơn miền bắc một phần dùng nguồn nước từ miền bắc và phụ cận, một phần dùng nguồn nước lọc tái sử dụng (from toilet to tap). Hệ thống lọc quả thật rất hiện đại. Một ly nước đen xì biến thành ly nước trong veo. Tôi cũng hơi sợ sau khi biết về cách lọc nước này, nhưng chưa có ai chết vì uống nước này mà phải không?
Sẽ không chứng kiến được lối sống của người Mỹ nếu bạn không đi đến những khu vui chơi, giải trí như rạp chiếu phim, công viên… vào dịp holiday hoặc cuối tuần như đến sân vận động để xem thể thao, xem mọi người hò hét. Năm nay, đội Giants của môn bóng chày được vào World Series, đi đâu cũng thấy mọi người nói về Giants, hầu như tất cả mọi đài truyền hình tại vùng Bay Area đều đưa tin về đội nhà trên tất cả các bản tin này kể từ chiến thắng này.
Nước Mỹ có rất nhiều trò vui, tùy theo từng mùa. Dọc theo vùng vịnh San Francisco và những thành phố phụ cận, người Việt luôn tìm thấy cho mình những nơi vui chơi, khu giải trí khá thú vị. Mùa xuân ngồi nhà ngắm hoa đào nở hay tham dự lễ hội Hoa anh đào của người Nhật Bản. Mùa hè đi biển Santa Cruz xem hòa nhạc (thứ 6), hay đi trung tâm thành phố (downtown) xem biểu diễn các chương trình hài kịch. Ở biển San Francisco, mùa hè hàng năm cũng có các cuộc đua thuyền buồm thu hút sự chú ý của nhiều người dân vùng vịnh nơi đây và cả du khách phương xa. Mùa thu được xem là mùa đẹp nhất trong năm ở xứ ôn đới này với khí hậu mát mẻ và tiết trời trong xanh. Người dân nơi đây thường tìm đến những công viên để chụp những bức ảnh tuyệt đẹp của thiên nhiên, của đất trời. Và người dân nơi đây còn có cơ hội xem biểu diễn máy bay nhào lộn (air show).
Người Việt mình cuối tuần thường ở nhà để nghỉ ngơi chuẩn bị cho tuần làm việc kế tiếp, phần vì muốn lấy lại sức sau một tuần làm việc mệt mỏi. Chủ yếu dùng thời gian cuối tuần dọn dẹp nhà cửa hoặc đi chợ mua thức ăn chuẩn bị để đi làm. Ngoài ra cuộc sống nơi đây vào cuối tuần có rất nhiều hoạt động với gia đình, bạn bè như cắm trại, đi biển, thả diều đi tham quan những nơi nổi tiếng của thành phố San Francisco, Vườn quốc gia Yosemite (Yosemite National Park) – một trong những danh lam thắng cảnh hùng vĩ và nổi tiếng của nước Mỹ nằm ở biên giới tiểu bang California và Nevada , Muir Woods. Những ai có nhiều thời gian hơn có thể đi du lịch miền Nam Cali hoặc đi thăm những bang lân cận khác. Vé máy bay nhiều khi sales với giá rẻ bất ngờ.
Mỗi gia đình là một ốc đảo, trẻ con thường không được chạy nhảy ngoài đường, một phần cha mẹ sợ bị bắt cóc, một phần sợ bị xe đụng nên phần lớn hoạt động của trẻ em xoay quanh tivi. Cuối tuần thường thì nếu cha mẹ có thời gian sẽ dẫn con mình đi công viên gần nhà. Mỗi cụm dân cư thường có một công viên nhỏ với cầu trượt để trẻ có thể chơi đùa thoải mái. Trẻ em Mỹ thật đáng yêu, chúng thường đặt câu hỏi với cha mẹ, nếu cha mẹ cố tình trả lời sai thì hôm sau chúng sẽ nói với cô giáo những điều sai đó. Lúc đó cô giáo sẽ hỏi ai dạy chúng. Còn nếu không trả lời thì chúng sẽ tìm cách dạy chúng ta câu trả lời. Con nít thông minh một cách đáng sợ.
Chương trình dự báo thời tiết luôn cập nhật liên tục trong ngày với độ chính xác rất cao vì họ dùng vệ tinh để theo dõi thời tiết. Ai nói người Mỹ không mê tín? Vùng miền đông, một số nơi vẫn còn tin vào sự xuất hiện của con chuột chũi (ground-hog) dự báo thời tiết của mùa đông (ground-hog day). Và không ít người Mỹ cũng tin vào phong thủy trong kiến trúc, họ tìm đến China Town để mua những “linh vật” để trưng bày trong nhà để được gặp may mắn trong cuộc sống. Có lẽ phong tục của những người Đông Á nhập cư ở Mỹ đã dần dần được phổ biến đến các chủng tộc của các quốc gia khác ở Mỹ.
Vào dịp Halloween, Half Moon Bay hằng năm có lễ hội Bí Đỏ (pumpkin festival) nhưng nạn kẹt vẫn không là điều trở ngại mọi người tham gia lễ hội. Tại đây sẽ trưng bày những quả bí bự không tin nổi đó là sự thật và mọi người thi thố coi quả nào bự nhất và có hình dạng lạ nhất. Trung tâm thành phố San Jose vào những ngày tháng 12 thường có chương trình Christmas in the park. Thành phố sẽ trưng bày những mô hình tiêu biểu cho không khí giáng sinh của châu Âu vào thế kỷ trước và có máy tạo tuyết giả đang rơi cho trẻ em nô đùa. Mọi người đừng quên lái xe vòng quanh Willow Glen để xem đèn giáng sinh trong những ngày này.
Khoảng vào cuối tháng 7 hằng năm, Gilroy thường tổ chức lễ hội tỏi (Gilroy Garlic Festival). Tỏi vùng Gilroy vừa nhiều và vừa thơm. Mỗi khi mùa tỏi đến, hương tỏi theo gió bay, sáng thức dậy người dân San Jose có thể ngửi được. California có rất nhiều loại bánh mỳ, bánh Sourdough làm tại thành phố San Francisco là một phần văn hóa của vùng vịnh này. Sau khi rời khỏi California, nếu ai đó vẫn còn thèm bánh mỳ Sourdough thì không nên mua ở những nhà hàng ở bang khác vì người ta sẽ tưởng bạn là người ngoài hành tinh hay cố tình chọc quê họ.
Nhà thờ và chùa của người Việt ở San Jose khá nhiều. Không cần phải đợi đến dịp lễ Tết hay rằm tháng tư, rằm tháng Bảy mà người Việt thường đi chùa, đi nhà thờ vào cuối tuần. Với người Việt sống xa xứ, đi chùa/nhà thờ để nghe giảng kinh, để tìm một nơi tịnh tâm cho chính mình trên đất khách quê người sau những giờ làm việc mệt mỏi, để được tìm gặp những người đồng hương cùng tôn giáo, để được gia nhập sinh hoạt những hội đoàn có cùng chí hướng tâm niệm với mình. Và với một số gia đình người Việt những tổ chức tôn giáo này là nơi để con cái họ không chỉ được dạy tiếng Việt mà còn là nơi con cái họ được dạy đạo lý làm người, một phẩm chất đạo đức không thể thiếu của người Việt Nam.
Jolene & Vương Vi
Leave a Reply