Chuyện họp phụ huynh ở đất Mỹ

Trong đời bạn thích họp phụ huynh không? Chắc ít ai muốn, vì đến là phải đóng góp, xin xỏ, nói khó vì con mình hư. Nhà này có hai thằng cu đi học (lớp 3 và lớp 1), bố mẹ đùn đẩy. Đành bốc thăm, Blog HM thua nên vác máy ảnh đi…tác nghiệp và xem dân Mỹ dậy dỗ thế nào.

Các ông con đi học

Lũ con nhà HM suốt mùa Hè không được đi đâu, vì bố đi công tác liên miên. Thằng lớn luôn hỏi, bao giờ đi học. Với chúng, trường lớp là cái gì đó thân thương, xa mấy tháng Hè như đã lâu lắm. Con gái anh Đặng Hoàng Duy, đồng nghiệp ở World Bank, cháu Hồng Hạnh vừa học xong lớp 5 ở Hà nội. Sang đây Hạnh vào lớp 6, trước đó cháu đã học mấy năm ở DC. Dự khai giảng về, Hạnh hỏi “Bố có thấy ngày khai trường ở đây khác ta thế nào không?”. Nghe con gái giải thích, anh không khỏi ngạc nhiên “Ở Mỹ ngày khai trường là ngày hội, bố ạ. Sau một kỳ nghỉ hè dài, ai cũng mong được tới trường nên cười rạng rỡ. Cô trò gặp nhau như mẹ con. Ở VN ta thì ngược lại, trông mặt các bạn buồn rười rượi. Mùa Hè vui vẻ đã qua, sắp tới phải đến trường”. Cháu nhấn mạnh hai chữ  PhảiĐược rất rõ.

634913958295380000 Chuyện họp phụ huynh ở đất Mỹ
Lớp 1 và mùa thu vàng

Anh Duy giật mình vì so sánh của học sinh lớp 6 về hai cách “trồng người”. Một nơi cho ra lò rất nhiều em văn hay, chữ đẹp, nhiều giải quốc tế. Nơi kia, học sinh rất kém tính nhẩm, chữ như gà bới, nhưng ra đời có nhiều giải Nobel. Với bố mẹ, khai trường lại là ngày…hạnh phúc vì tống khứ “của nợ” đến lớp cho cô giáo lo. Suốt mấy tháng Hè, cả nhà om tỏi cãi nhau, ai nghỉ phép để trông con. Riêng chuyện này, bố mẹ từ Tây đến ta, ở đâu cũng giống nhau.

PTA bên Mỹ

The Parent Teacher Association (PTA) tạm dịch là Hiệp hội Phụ huynh và Giáo viên. PTA không thuộc tổ chức đảng phái, nhà nước hay tiểu bang, mà hoạt động hoàn toàn độc lập. Khả năng vận động hành lang có thể vươn tới Quốc hội Mỹ nhằm tranh đấu quyền lợi cho học sinh và trường sở. Thoạt nhìn, có thể nghĩ, PTA gồm toàn những bà nội trợ, ở nhà trông con để chồng đi làm, ngồi với nhau để trao đổi cách thức làm bánh hay rỉ tai mua hàng hạ giá. Trong thực tế, PTA có nhiều việc quan trọng hơn bếp núc. Hoạt động của PTA hướng tới xây dựng quan hệ gắn bó giữa phụ huynh, giáo viên và nhà trường với mục tiêu cuối cùng “vì quyền lợi của học sinh”. Đại loại như bên ta, công nhân có công đoàn, tuổi trẻ có Đoàn TN, trường học có…PTA. Hoạt động cho PTA không lương, theo kiểu “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”.

634913958286370000 Chuyện họp phụ huynh ở đất Mỹ
PTA Conference

Hội Phụ huynh có đóng góp không? Đương nhiên, có thực mới vực được đạo. Chả có nhà nước nào đủ “sữa” để chi cho các tổ chức xã hội. Phí thành viên 5$/người/năm (lương tháng khoảng 2000$ cho người lao công). Nhà tôi có hai ông con, đóng 5$ hay 10$ đều được, ai giàu đóng hàng trăm đô. Phí đó dùng cho các hoạt động “chào mừng” như học sinh được giải cao, biết ơn giáo viên vào ngày lễ, hội thảo về cách dậy dỗ con cái trong nhà, các buổi nói chuyện mời chuyên gia cao cấp, xây dựng website, in ấn tài liệu. Nhiều PTA địa phương tranh thủ được sự đóng góp rất lớn của những phụ huynh giầu có. Có tiền, PTA có thể can thiệp với trường là nên dậy môn ngoại khóa nào thích hợp vì PTA có thể trang trải chi phí, hoặc thay đổi chương trình giảng dạy tốt nhất cho con em

Cuộc họp phụ huynh 15′

Trường hai đứa học năm nay có 630 học sinh từ 43 nước và nói 27 thứ tiếng, gọi là trường quốc tế cũng không ngoa. Vào phòng họp, thấy một bác Việt kiều ngồi bàn phiên dịch cho những phụ huynh VN mới nhập cư. Tiền thuê phiên dịch do PTA trả. Vào đầu năm học, thường có “đại hội” PTA. Bà hiệu trưởng phát biểu ngắn gọn và mời các thầy cô lên “sân khấu” cho phụ huynh biết mặt. Rất lạ, toàn cô giáo, có mấy cô xinh như hoa hậu. Hội trường chật ních các phụ huynh. Từng cô đứng ra trước mic và tự nói về mình trong vòng 15 giây. Mấy chục cô tự “PR” trong 5 phút, xong màn chào hỏi. Trình độ public speaking của những giáo viên này thuộc đẳng cấp quốc tế, rất tự tin.

634913958277280000 Chuyện họp phụ huynh ở đất Mỹ
Giấc mơ lớp 1 với chữ gà bới


Họp với cô giáo chủ nhiệm

Màn tiếp theo là mời bố mẹ về lớp cô chủ nhiệm họp. Bố mẹ được xếp vào chỗ của con mình hàng ngày vẫn ngồi. Trên đó có tên con, tập tài liệu về chương trình học, thời khóa biểu, vài tờ rơi và…bức thư của ông con gửi chính bố mẹ mình. Trước cửa bọn lớp 3 là danh sách lớp và tờ tự giới thiệu rất PR của bọn học trò. Thôi thì đủ kiểu. Ví dụ, “Tôi có em trai 6 tuổi, tôi năm nay 8 tuổi, tóc đen và ngắn. Tôi thích kẹo không ngọt vì sợ béo. Đố biết tôi là ai”. Mới đọc cứ tưởng con trai nhà mình, nhưng nét chữ lại không phải. Tìm mỏi mắt mới ra bài văn chữ gà bới quen quen. Cô giáo giới thiệu rất kỹ về chương trình học tập trong năm, mục tiêu cuối năm, cách trao đổi giữa bố mẹ và giáo viên. Cách chấm điểm O-Outstanding, G-Good, S-Satisfied, N-Need Improvement (Xuất sắc, Khá, Đạt và cần Cố gắng) cũng được giải thích rất kỹ. Cô nhấn mạnh, S là hoàn toàn OK ở trường. Từ lớp 3 trở đi, O và G sẽ rất hạn chế vì sợ trò, phụ huynh đua nhau học vì điểm.

634913958245670000 Chuyện họp phụ huynh ở đất Mỹ
Tôi là ai?

Nguyên tắc làm bài tập về nhà

Về nhà cần 30′ đọc sách buổi tối và có ghi chép lại đầy đủ những sách đã đọc. Đó là một thói quen quan trọng của đứa bé. Bài tập về nhà không quá 30′, đối với lớp 1 chỉ cần 20′. Còn lại các cháu nên được đi ra ngoài, đi công viên, đi xe đạp. Học nhiều quá mụ đầu. Cô khuyên, bố mẹ cần nói chuyện với con càng nhiều càng tốt. Có đứa đến lớp được hỏi, cuối tuần em làm gì. Cu cậu ngắc ngứ không trả lời được, vì chỉ nói “Em đến shopping mall rồi về”. Shopping chỗ nào cũng không biết, chỉ nhớ chỗ đó nhiều quần áo, hình nộm, rộng mông mênh. Lời khuyên, đưa con đi mua sắm thì cũng nên nói là ở đâu, mua cái gì và tại sao. Đó là tập cho con kỹ năng nhớ, kể hay viết lại.

634913958236240000 Chuyện họp phụ huynh ở đất Mỹ
Nguyên tắc làm bài tập về nhà

Trên tường là nội qui của lớp do chính tập thể học sinh trong lớp viết ra. Chúng tự nghĩ ra luật lệ, cách phạt và ký tên ở dưới. Lời thề danh dự này được treo cho đến cuối năm học. Mỗi lớp có lời thề “chui ống” khác nhau. Không ai giống ai. Tự ra luật và tự chịu trách nhiệm. Điều cuối cùng là cô mong, bố mẹ nên dạy con tự làm lấy mọi việc. Nhà trường sẽ rất vui khi thấy các em tự buộc dây giầy, mặc quần áo, gấp jacket, đề tên vào balo hay biết đánh răng. Càng tự lập sớm càng tốt, đó là cách dậy các em nên người ngay từ bé. Viết entry này, HM ra vẻ thuộc “bài” thế thôi. Ngoài đời bố mẹ bọn trẻ HM nóng nảy, không dạy được con. Điên lên, giơ nắm đấm thì thằng cu ra cầm điện thoại gọi cảnh sát, hai bố con gầm gừ dọa nhau. Ở  dân chủ nửa vời này, không “bịt miệng”  được ai, kể cả bọn con nít.

Nhà Blog HM như hề, lúc cười nắc nẻ, lúc khóc tấm tức. Nổi điên lên muốn bay về HN học cho sướng. Kém đưa cái phong bì ra được Outstanding ngay. Nhưng nghĩ đến cái nóng hầm hập, không điều hòa, ngày khai trường ít nụ cười, đưa con đến lớp như đánh vật, lại nghiến răng, nhắm mắt…đưa chân. Là phụ huynh thì ở đâu cũng mệt.

Lời kết

Quả thật, lúc đầu nghĩ đi họp phụ huynh thì chán lắm, lại chuyện thu tiền nong, đóng góp. Nhưng suốt cả buổi, nhà trường chỉ tập trung vào nội dung làm thế nào để cùng gia đình đưa đứa con đến đích vào năm học tới. Tôi đã bỏ hẳn 2 tiếng để dự cả hai lớp (1 và 3) cho hai ông con vì thấy “Đại hội” PTA này thú vị. Cả hai nơi, tôi đều viết trên tờ giấy nhỏ nhắn rằng, bố đã đến lớp, ngồi vào ghế của con, gặp cô giáo tuyệt vời và mong con học giỏi. Bức “tâm thư” ấy sẽ được hai ông tướng đọc vào sáng hôm sau trên lớp.

 

634913958256750000 Chuyện họp phụ huynh ở đất Mỹ
Thư gửi bố đến họp

Chỉ hơi buồn, hai bố con Việt mà trao đổi thư bằng tiếng nước ngoài, chat yahoo cũng bằng tiếng đế quốc. Lý tưởng là cho con về VN học vài năm để hoàn thiện tiếng mẹ đẻ, biết học gạo, đi thi quốc tế có khi được giải, rồi cho sang xứ Mẽo này cũng kịp. Nếu tiện, tôi sẽ đi họp phụ huynh. Biết đâu lại có entry về cái sự học và đóng góp ở Hà nội tuyệt vời.

Bài và ảnh – Blog Hiệu Minh

Cùng Danh Mục :

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>

Ty Huu Phong Thuy
Da Quy Phong Thuy
Khi Phong Thuy