Cầu Brooklyn cổ kính – biểu tượng của New York
Vào năm 1883, một kỹ sư giàu óc sáng tạo tên là John Roebling, cảm thấy hứng thú với ý tưởng sẽ xây cây cầu ngoạn mục này. Tuy nhiên, các chuyên gia cầu đường bảo ông hãy quên ý tưởng đó đi vì đó là một dự án bất khả thi. Không nản lòng, ông thuyết phục con trai mình là Washington, cũng là một kỹ sư đầy tiềm năng. Cả hai cha con cùng ấp ủ ý tưởng về cách hoàn thành cây cầu và cách vượt qua mọi trở ngại. Bằng mọi cách, họ thuyết phục các ngân hàng đầu tư tài chính cho dự án xây cầu này. Hết sức phấn khởi và nhiệt thành, họ tuyển nhân công và bắt đầu xây cây cầu như mơ ước của mình.
Cầu Brooklyn được khởi công từ tháng 1/1870, với hai tòa tháp nằm gần phía hai bờ, xây theo kiểu kiến trúc “Tân Gô-tic” (xuất hiện tại Anh từ thập niên 1740), đỡ lấy thân cầu với những cáp treo bằng thép. Đây cũng là chiếc cầu treo bằng thép đầu tiên trên thế giới, trở thành công trình kiến trúc được trân trọng nhất New York và được công nhận là công trình lịch sử quốc gia vào năm 1964. Hơn nữa, việc xây dựng cầu còn được xem là một kỳ tích, khi kiến trúc sư gốc Đức john Augustus Roebling (1806 – 1869), người thiết kế cây cầu, qua đời khi đang chuẩn bị xây dựng cầu. Con ông là Washington Roebling (1837 – 1926) tiếp tục công trình của cha, nhưng chẳng bao lâu sau khi khởi công, Washington gặp tai nạn khi đi khảo sát lòng sông Đông và bị liệt toàn thân. Tuy nhiên, trong suốt 13 năm, Washington hướng dẫn bằng ngón tay duy nhất còn chuyển động của mình cho vợ ông là Emily Warren Roebling (1843 – 1903). Dưới sự hướng dẫn của chồng, bà đã vừa tự học cùng với các kỹ sư tại công trường vừa tiếp tục công việc cho đến khi hoàn tất. Do vậy, tên của ba người trong một gia đình đã được ghi khắc lên công trình lịch sử này.
Ngày nay, sau 127 năm tồn tại, cây cầu biểu tượng của New York đang cần được tu bổ với một dự án trị gía 500 triệu USD. Theo năm tháng, chiếc cầu đã được tu bổ nhiều lần, nhưng lần đại tu gần đây nhất cũng cách nay gần 10 năm. Đợt sửa chữa, tân trang lần này dự kiến sẽ hoàn tất sau bốn năm. Trước tiên là cạo bỏ toàn bộ lớp sơn cũ, sơn lại màu vàng nâu như hiện tại và để hạn chế gây ô nhiễm không khí.Việc phun sơn được thực hiện bên trong một thiết bị vây kín, đặt trên xà lan di chuyển dọc theo thân cầu. Một việc khác cũng được tiến hành là nâng cấp, mở rộng đường dẫn lên hai đầu cầu: từ một lên hai làn xe, thay mặt sàn thép bằng những tấm bê-tông cốt thép đúc sẵn. Ngoài ra, còn lát lại lề đường cũng như lắp đặt mới và thay thế các rào chắn đá ri sét. Nâng cấp cầu Brooklyn là một trong sâu dự án cơ sở hạ tầng của thành phố New York.
Hiện nay, mỗi ngày có khoảng 120.000 xe hơi, hàng ngàn người đi xe đạp và khách bộ hành qua lại trên cây cầu này. Nó thực sự đóng vai trò quan trọng trong các sự kiện lịch sử của thành phố, cả trong biến cố ngày 11/09/2001: từng đoàn người mau chóng tìm cách rời khỏi Manhattan theo lối cẩu Brooklyn. Ngoài ra, hình ảnh chiếc cầu treo Brooklyn cũng trở thành đề tài của một số tác phẩm văn học, ca nhạc và điện ảnh, như phim tài liệu Brooklyn Bridge của đạo diễn người Mỹ Ken Burns được đề cử giải Oscar năm 1982, ban nhạc Johnny Maestro and The Brooklyn Bridge (1968 – 2010) với bài hát nổi tiếng The Worst That Could Happen…và cây cầu đã trở thành một biểu tượng của thành phố New York.
Leave a Reply