Bang Utah – quê hương của những người theo đạo Mormon

Trong tất cả 50 tiểu bang của thì có lẽ tiểu bang Utah có nhiều điểm đặc biệt hơn cả, khác hẳn với những tiểu bang còn lại. Utah là một vùng đất độc nhất do một giáo phái gây dựng nên và tất cả mọi khía cạnh của đời sống ở đây dù là kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, lịch sử đều chịu ảnh hưởng của một tôn giáo đặc biệt ở Mỹ là Giáo Hội Mormon với tên chính thức là Church of Jesus Christ of the Latter Day Saints, trụ sở ở thủ đô Salt Lake City với chi nhánh rải rác trên khắp tiểu bang và nhiều nơi khác trên thế giới, trong đó có cả ở Việt Nam.

634852590631170000 Bang Utah   quê hương của những người theo đạo Mormon

Tín đồ Mormon chiếm 64 % dân số Utah và có một số khá lớn ở Colorado, Idaho, Arizona, Nevada, Wyoming, Hawaii.. và đang phát triển trên khắp thế giới, nhất là tại các nước Bắc Âu, Á Châu.. nhờ một chương trình truyền đạo rất mạnh và có tổ chức quy mô bên cạnh một giáo hội có tổ chức vững vàng với một ngân quỹ lên tới hàng chục tỷ USD, lớn nhất trong các tôn giáo ở Mỹ. Giáo hội Mormon hoạt động không có tính cách chính trị hay liên quan với một chính quyền hay đảng phái nào nên dễ được chấp nhận ở những nơi trước đây bị cai trị bởi những chế độ thực dân xạn lăng rồi nô lệ hóa người dân bản xứ. Tại nhiều nơi các tổ chức Mormon khởi đầu bằng một vài cơ sở kinh tế ví dụ như ở Việt Nam thì có một xưởng làm giày dép.

Utah nằm ở bên trong vùng núi Rockies gồm nhiều núi non và cao nguyên khô cằn, địa thế rất hiểm trở, biệt lập với thế giới bên ngoài. Nếu không có sự khai phá của người di dân Mormon tại một thung lũng ở dưới chân núi Wasatch thì có lẽ Utah đã không phát triển như ngày hôm nay. Utah được chia ra làm đôi bởi rặng núi Wasatch và phía Tây là vùng cao nguyên Great Basin khô khan với hồ nước mặn Great Salt Lake và một bãi đất phẳng bao phủ bởi những lớp muối với tên là Bonneville Flats được các xe hơi đua dùng làm nơi thí nghiệm tốc độ cao nhất. Phía Đông là cao nguyên Colorado gồm nhiều đồi núi và phong cảnh đẹp nối liền với Colorado, Wyoming và Arizona và nhiều công viên quốc gia cùng với những tài nguyên về quặng mỏ, năng lượng, than đá, dầu đá, uranium. Khởi đầu Utah sống nhờ nông nghiệp và chăn nuôi và gần đây mới được công nghiệp hóa và khai thác các quặng mỏ..

Ngày nay những rặng núi cao của Utah là những nơi dành cho kỹ nghệ du lịch, trượt tuyết khiến trước đây Salt Lake City được chọn làm nơi tổ chức tranh tài Thế Vận Hội mùa Đông. vào năm 2002. 80% dân chúng sinh sống tập trung ở các thung lũng dưới chân núi Wasatch chạy dài từ Ogden xuống Provo. Thủ đô Salt Lake City và vùng phụ cận với hơn nửa triệu dân là trọng tâm kinh tế, chính trị văn hoá , tôn giáo của cả tiểu bang và cùng một lúc là trung tâm của đường hỏa xa Union Pacific và nhiều đường bay quốc tế chưa kể Thánh địa Tabernacle của đạo Mormon..

Đạo Mormon và Utah

Vào giữa thế kỷ 19 có nhiều phong trào tôn giáo mới lạ nảy sinh ra ở nước Mỹ lúc đó đang ở vào thời kỳ phát triển kinh tế mạnh và người di dân tiến vào bên trong để khai thác vùng Trung Mỹ vẫn còn nhiều đất trống chưa được dùng vào nông nghiệp vì người da đỏ vẫn sống kiếp du mục. Những di dân từ Âu châu sang định cư ở vùng New England, Virginia, New York và họ cần có thêm đất để sinh sống, mở mang bờ cõi. Sau khi giành được độc lập từ triều đình Anh Quốc thì họ bắt đầu vượt rặng núi Appalachia, tiến vào bên trong để chinh phục lục địa Bắc Mỹ rộng mêng mông, tài nguyên thiên nhiên gần như vô tận và chưa được khai phá. Các bộ lạc da đỏ du mục lần lần bị đẩy lùi vào bên trong hoặc bị tiêu diệt bởi người di dân bằng súng đạn hoặc bị lây phải những căn bệnh truyền nhiễm mà hệ thống miễn dịch họ không có sức đề kháng với các vi khuẩn gây bệnh vì họ đã sinh sống từ hàng vạn năm tại một nơi không có những chứng bệnh do gia súc gây nên vì bị chia cách với Cựu Thế giới thường xuyên có nhiều dịch bệnh truyền nhiễm. Cùng với việc di dân vào bên trong thì cũng có hiện tượng nảy sinh ra nhiều giáo phái khác nhau, mỗi người tự xưng là giáo chủ vì luật lệ tự do tín ngưỡng tại nước Mỹ, một quốc gia hoàn toàn mới lạ.

Những di dân từ Âu châu sang Mỹ định cư để đi tìm tự do tôn giáo sau khi xảy ra chiến tranh đẫm máu giữa các nước theo Công Giáo La mã và Tin Lành tuy cùng guồn gốc nhưng khác nhau ở một vài điểm trong đó chính yếu là phe Tin Lành không chịu thần phục Đức Giáo Hoàng ở La Mã. Những người di dân đầu tiên đều theo đạo Tin Lành nên khi sang tới Bắc Mỹ thì việc quan trọng nhất là cố gắng duy trì tinh thần tôn trọng tự do tín ngưỡng. Đã xảy ra tình trạng ” trăm hoa đua nở”, đủ mọi thứ tín ngưỡng khác nhau mọc lên như nấm với những lối suy tư cũng như thờ phượng và tục lệ khác nhau khiến đôi khi tạo nên những sự tranh chấp và xung đột.

Năm 1830, tại vùng phía Tây tiểu bang New York, một người tên Joseph Smith tự xưng là được Chúa Jesus khải thị lập ra một tôn giáo mới và ông xưng là Giáo Chủ và đi về miền Tây tìm nơi để hành đạo. Khi đặt chân tới Ohio thì ông loan tin được thiên thần Moroni hiện ra và đọc cho một cuốn kinh mà ông ghi chép lại gọi là cuốn Kinh Book of Mormon ở trong đó có nhiều điều răn dạy cũng như viết về lịch sử của một nhóm dân Do Thái sau khi thoát nạn bị đi đày ở Babylon vào năm 600 B.C thì đã sang được Bắc Mỹ và sinh ra những thổ dân da đỏ ở đây. Cuốn kinh này được trao lại cho ông trên những tấm bảng bằng vàng và được ông chôn giấu ở một nơi không được tiết lộ. Những điều Smith mô tả tuy không có nền tảng khoa học nhưng vẫn được một số người tin theo là chân lý khiến ở những nơi nào có đạo Mormon thì người da đỏ không bị kỳ thị và được nhiều ưu đãi rồi được đồng hóa với đa số. Joseph xưng là Thiên Đăng Giáo Chủ kiêm Đại Hộ Pháp Huyền Môn Bảo Đạo và thu hút được một số tín đồ khá đông khi ông đi giảng đạo ở Indiana, Illinois. Ong cũng không tìm cách cải chính khi được một sô tín đồ tôn vinh là hậu thân của Chúa Jesus khiến làm cho nhiều người nhẹ dạ tin theo..

Khi đoàn tín đồ của ông tới tỉnh Nauvoo ( Illinois) vào năm 1844 thì bị người dân địa phương đánh đuổi và ông bị treo cổ chết sau khi bị đánh đập tàn nhẫn. Một số trốn thoát về Missouri và cử người đi tìm một nơi thật vắng vẻ để được tự do hành đạo mà không sợ bị bắt bớ. Ngày nay tại Nauvoo có một nhà thờ Mormon kỷ niệm sự tuẫn đạo của Giáo Chủ Smith.

This is the place…

Nhưng phong trào Mormon may mắn có sự lãnh đạo tài giỏi và cương quyết của một người phụ tá của Joseph Smith là Brigham Young. Ông đã dẫn dắt các tín đồ vượt sông Mississippi để vào miền Tây và tạm dừng tại tỉnh Independence ( Missouri) để đi tìm đất sống mới. Brigham Young cử nhiều đoàn thám sát đi sâu vào bên trong rặng núi Rockies để tìm một vùng đất thật vắng vẻ, hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài, bất khả xâm phạm, hòng có thể tự do hành đạo Mormon mà không bị bắt bớ. Sau khi có một đoàn thám hiểm tới một thung lũng hoang vu ở gần hồ Great Salt Lake nhưng thích hợp cho nông nghiệp nếu có nước để tưới thì họ về báo cáo cho Brigham Young. Khi ông tới nơi quan sát địa thế và cầu nguyện Thượng Đế hướng dẫn thì đến ngày 24 tháng 7 năm 1847 ông phán ” This is the place ” , chính là nơi mà ông tin rằng đã được Đức Chúa Trời khải thị trong một giấc mơ sẽ là nơi định cư vĩnh viễn của người Mormon. Brigham Young phán rằng sau khi ông lập đàn tế lễ, chay tịnh và xin cầu cơ giáng bút thì được dạy rằng nơi này sẽ là một Thánh Địa cho mai sau của các tín đồ Mormon với tên là Latter Day Saints, viết tắt là LDS.

Giáo lý Mormon dạy rằng tất cả những tín đồ đều được “phong thánh , phong thần” hết , nên mới co tên là Saints, không chừa một ai, không giống như theo một số tôn giáo khác chỉ dành riêng cho một vài người thuộc thành phần tu sĩ hay sư sãi được chọn lựa sau những thử thách gay go. Tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng như nhau và không phân biệt tuổi tác, nguồn gốc dân tộc, sắc tộc tuy rằng trước đây người da đen không được công nhận.

Tại Utah hàng năm, dân chúng coi ngày 24 tháng 7 là ngày lễ lớn nhất của tiểu bang goị là ngày Pioneer Day và có một bảo tàng viện duy trì nơi mà Brigham Young đã đặt chân tới lần đầu tiên và phán THIS IS THE PLACE ! Chỉ có một số nhỏ tín đồ Mormon ở lại Missouri còn lại thì đa số đi theo Brigham Young bỏ vào bên trong đến vùng đất mới mà ông đặt tên là Deseret như đã được khải thị trong cuốn kinh sách Mormon với biểu hiệu là một cái tổ ong mật tượng trưng cho tinh thần đoàn kết, chăm chỉ , tổ chức chặt chẽ. Hiện nay trên khắp tiểu bang các bảng chỉ đường trên xa lộ đều có hình một cái tổ ong để nhắc nhở công lao sáng lập nên tiểu bang Utah của người Mormon còn có bí danh là the Beehive State..

Sau khi đoàn di dân ổn định đời sống bằng cách xây dựng các làng xóm và khai kênh dẫn thủy nhập điền, trồng trọt, chăn nuôi thì họ đi ra xa đến những vùng lân cận để tìm những nơi định cư mới cho những đoàn di dân đến sau và cứ thế nhóm người Mormon mỗi ngày một đông đảo thêm và sinh sản đông đúc rồi lan đi các tiểu bang bên cạnh như Idaho, Arizona. Người Mormon không tin ở sự hạn chế sinh đẻ nên mỗi gia đình rất đông con, trung bình từ 4 đến 6, cao hơn trung bình ở Mỹ chỉ có 1 hay 2 đứa con.

Cuộc hành trình đi khai phá đất hoang có tổ chức tập thể đầy rẫy những gian nan và hy sinh can đảm của người Mormon cũng giống như hiện nay ở Việt Nam có những đoàn người dân Việt Bắc đi chinh phục đất hoang ở Tây Nguyên, Lào ( Bolovens), Campuchia.. để mở rộng bờ cõi ra tận bờ sông Mekong . Người Mormon chủ yếu sinh sống bằng nông nghiệp, chăn nuôi, sau này mới họp lại thành các thị trấn ở rải rác khắp nơi và làm thủ công nghệ hoặc công nghiệp nhẹ. Đạo Mormon có những điểm đặc biệt là dựa trên cuốn Kinh Thánh cộng thêm với cuốn kinh Mormon riêng biệt của họ trong đó có những giáo luật như cấm hút thuốc, uống rượu, trà, cà phê, cờ bạc. Các tín đồ phải có nếp sống trong sạch đạo đức cao, chăm chỉ làm việc lao động chân tay và đặc biệt quan tâm tới việc giáo dục con cái, nền tảng gia đình vững chắc, đề cao tinh thần tự lực, làm chủ tập thể không được lười nhác, ỷ lại tham lam. Một điểm quan trọng nhất là các thanh niên được khuyến khích lập gia đình sớm và có gia đình đông con vì đất đai còn nhiều cần có thêm bàn tay lao động sản xuất. Nhà thờ được tổ chức rất chặt chẽ nhằm huấn luyện các trẻ em từ hồi còn nhỏ cho đến khi lớn lên hoạt động cho Giáo hội Mormon trong công tác truyền đạo. Giáo Hội có một chủ tịch và 12 vị trưởng lão, không có thành phần tu sĩ trung gian nắm quyền ở giữa vì tất cả đều bình đẳng như nhau, tất cả cùng là Thánh LDS cả vì sau Brigham Young thì không có ai được bàu làm Giáo Chủ !

Các tín đồ được khuyến khích phải tự túc về kinh tế, không được phép nhận trợ cấp welfare của chính phủ, nếu không có việc làm thì sẽ được Giáo Hội giúp thực phẩm và bao cấp nhà cửa, đất đai để sản xuất. Một điểm đặc biệt nữa là các tín đồ đều trung tín đóng góp 10 % lợi tức cho nhà thờ để làm các công việc phước thiện, đầu tư phát triển đạo khiến hiện nay Giáo Hội Mormon có một ngân quỹ lớn nhất lên tới hàng chục tỷ Mỹ Kim để phát triển mở mang truyền đạo và giáo dục. Nhờ ảnh hưởng của đạo Mormon nên Utah dẫn đầu cả nước về nhiều ưu điểm như trình độ học vấn cao nhất, tỷ lệ tốt nghiệp Trung Học cao nhất, tội ác thấp nhất, nạn chửa hoang rất thấp, sức khoẻ và tuổi thọ cũng cao nhất, thất nghiệp gần như không có. Nhờ các điều ngăn cấm hút thuốc nên các bệnh tật mãn tính như ung thư, tim mạch cũng thấp nhất, kinh tế phát triển mau nhất và nhờ tinh thần truyền đạo nên thu hút nhiều nước Á Đông đầu tư vào Utah..

Đạo Mormon được bên ngoài biết tới nhiều về tục lệ đa thê khi khởi thủy nhưng được bãi bỏ vào năm 1890 khi bị chính phủ liên bang cấm chỉ. Sở dĩ người Mormon theo đa thê vì họ cần có nhiều nhân lực để khai phá một vùng đất mới và giữ cho gia đình ổn định.Ngay cả lãnh tụ Brigham Young cũng làm gương khi ông có tới hàng chục bà vợ và nhiều người con. Tuy luật pháp liên bang hiện nay cấm đa thê nhưng tại một số vùng nông thôn hẻo lánh vẫn có một số người thực hành tục đa thê một cách kín đáo và họ chỉ bị truy tố khi nào bày tỏ công khai việc làm của mình theo nguyên tắc ” don’t ask, don’t tell “. Một vài nhóm Mormon ở Arizona cũng áp dụng lệ đa thê và xa cách với Giáo Hội ở Utah.

Ngày nay Giáo Hội Mormon triệt để cấm đa thê sau khi các vị trưởng lão làm lễ cầu cơ, giáng bút thì được khải thị là tục lệ này cần phải được chấm dứt, những ai vi phạm sẽ bị trục xuất khỏi Giáo Hội. Giáo lý Mormon có một vài điểm giống đạo Cao Đài ở Việt Nam là tin vào cầu cơ bút để có những sự tương giao với thế giới thần linh ở trên thiên đàng hoặc theo thuyết vật lý siêu hình là những chiều không gian thứ 4 hay thứ 5 mà chỉ có những người có năng khiếu đặc biệt mới tiếp nhận được. Gần đây có một vài vụ án do một vài nhóm đa thê gây ra làm cho dư luận quần chúng có thành kiến là đạo Mormon là một thứ tà giáo.

Vào đầu thế kỷ 20 trở đi, vùng Utah trở thành một hành lang nối liên miền Đông với California khi đường hỏa xa xuyên bang Union Pacific được dựng lên và các di dân bắt đầu đổ vào Utah sau khi có nhiều mỏ kim khí như đồng, sắt, vàng, uranium và nhiều quý kim khác khiến Utah được coi là một trong những tiểu bang mà kỹ nghệ hầm mỏ phát triển mạnh nhất sau đệ nhị thế chiến. Chính phủ liên bang đầu tư vào Utah xây nhiều căn cứ quân sự và trung tâm khảo cứu khoa học quân sự , chế tạo võ khí mới. Lần lần những di dân khác đổ vào khiến hiện nay người Mormon chỉ còn chiếm khoảng 65% nhưng phần lớn các quyền lực chính trị, kinh tế, giáo dục vẫn ở trong tay họ. Các vị Thống đốc, Dân biểu, chủ tịch ngân hàng, giám đốc các đại công ty, báo chí đều là người Mormon. Phần lớn các cơ sở kinh tế, thương mại cũng do người Mormon làm chủ và quản lý và nhờ khả năng ngoại ngữ tốt nên có nhiều chi nhánh ở các nước Á Châu trong đó có Việt Nam. Một vài người Mormon có tài đã rời đi những tiểu bang khác như Mitt Romney tại Massachusetts..

Các trường học Trung học trước đây do Giáo Hội tổ chức sau này được sát nhập với các trường công lập và tại Utah ngoài Đại Học tư thục rất nổi tiếng của Giáo Hội là Brigham Young University ở Provo thì còn có một số Đại Học công lập khác ở Logan, Orem do chính phủ bao cấp và phẩm chất kém hơn…

BYU..

Đại Học này có một điểm nổi bật là tất cả các sinh viên nam nữ phải tuân theo một kỷ luật sắt thép của nhà trường là triệt để cấm hút thuốc, uống rượu, trà, cà phê, cờ bạc , cấm quan hệ tình dục trước khi làm đám cưới ( pre marital sex ) một điều gần như thông thường ở Mỹ ngày nay, cấm để tóc dài , ăn mặc hở hang , váy phải dài chấm đất và sau hai năm ở undergraduate thì các sinh viên phải tình nguyên đi làm công tác truyền đạo hoặc phước thiện cho Giáo Hội trong 2 năm rồi trở về trường học tiếp lên mức cao hơn. Đổi lại thì học phí ở BYU rất thấp vì được Giáo hội bao cấp và trình độ học vấn rất cao do những giáo sư tài giỏi nhất đảm nhiệm. BYU ngày nay là một Đại Học nổi tiếng với đày đủ các bộ môn và có chi nhánh ở nhiều nơi trong đó có Hawaii và có một chương trình ngoại ngữ rất phát triển để đóng góp các nhân tài cho các kế hoạch truyền đạo ở hải ngoại của Giáo Hội Mormon.

Các sinh viên bắt buộc phải thông thạo một ngoại ngữ để đi truyền đạo ngoại quốc. Mỗi khi đi truyền đạo thì phải đi hai người, ăn mặc chỉnh tề, cắt tóc ngắn, tác phong đứng đắn và tự túc về mọi phương tiện hoặc do gia đình bao cấp. Bộ môn kinh tế là Marriott School of Business có trình độ quốc tế rất cao không kém gì các trường Ivy League và có nhiều chi nhánh ở ngoại quốc nhờ chương trình truyền Đạo ở Á Châu của Giáo Hội vì có lập thêm các chi nhánh hải ngoại, thu nạp sinh viên du học. Sĩ số ở BYU là 31000 người trong đó 90% là tín đồ Mormon. Học trình rất cao và có môn bắt buộc về Thần Học của Đại Mormon mà những sinh viên bên ngoài cũng phải theo học vì một khi đăng ký vào BYU thì phải chấp nhận điều này tuy không bắt buộc phải gia nhập đạo Mormon. Nói chung thì BYU quả thực là một Đại Học khá đặc biệt với nếp sống lành mạnh do đạo Mormon tạo nên, tuy có vẻ hơi gò bó nhưng sẽ giúp ích rất nhiều cho người sinh viên ra đời sau này..

Salt Lake City, thủ đô của tiểu bang Utah là một thành phố được thành lập vào năm 1847 bởi lãnh tụ Brigham Young khi ông đặt chân tới một thung lũng hoang vu ở dưới chân rặng núi Wasatch.

Ngày nay Salt Lake City ( SLC) với khoảng 300000 dân và vùng phụ cận lên tới trên 1 triệu dân là một thành phố sạch sẽ ngăn nắp, kinh tế vững mạnh nằm ở giữa rặng núi Wasatch và hồ nước mặn Great Salt Lake trước đây là một biển lớn sau này khô cạn và thu nhỏ lại khiến độ mặn ở đây cao khiến người tắm không thể chìm được. SLC là một thành phố được xây dựng theo kiểu mẫu của Giáo Chủ Joseph Smith vẽ ra là được chia ra từng ô vuông vắn 10 mẫu, đường phố thẳng góc và trung tâm thành phố là ngôi đền Mormon làm bằng đá hoa cương ở khu vực Temple Square rất đẹp và yên tĩnh. Thành phố SLC tiếp tục phát triển với những đoàn di dân Mormon từ khắp nơi đổ về.

Khi đường hỏa xa xuyên bang Union Pacific nối liền vùng bờ biển miền Tây với phần còn lại của nước Mỹ thì SLC là nơi mà hai đoạn đường hỏa xa nối liền với nhau và hàng năm có một buổi lễ long trọng Golden Spike kỷ niệm sự ráp nối của hai đoạn đường hỏa xa xuyên bang. Nhiều di dân từ khắp nơi đổ về SLC nhưng người Mormon vẫn chiếm đa số tuyệt đối nên vấn đề hành đạo của họ không gặp trở ngại tuy rằng cộng đồng Mormon bắt đầu bị pha loãng nhất là bởi nhóm Baptist. Kể từ năm 2000 có thêm nhiều di dân Hispanics và Á Đông tới định cư nhờ chính sách cởi mở , ít kỳ thị chủng tộc của đạo Mormon rộng mở đối với các di dân, giúp đỡ tìm việc làm. Ngày nay người Hispanics chiếm khoảng 14 % dân số và không bị kỳ thị ghét bỏ như ở những nơi khác và một số lớn đã gia nhập đạo Mormon sau khi được nghe những lời truyền giảng của những nhóm Mormon truyền đạo.

Địa điểm đặc biệt nhất của SLC là ngôi đền Mormon Temple chỉ riêng có các tín đồ mới được vào mà thôi nhưng bên cạnh đó thì có những cơ sở tôn giáo mở rộng cho người ngoài tham quan như Viện Bảo Tàng Mormon, Assembly Hall và The Tabernacle Choir với giàn nhạc khổng lồ với trên 10856 ống sáo và một ban hợp ca nổi tiếng, mỗi ngày có khoảng 6000 du khách đến thưởng thức. Thư viện của Giáo Hội Mormon rất lớn ghi chép rất đày đủ gia phả của từng người vì đạo Mormon tin rằng linh hồn của con người sinh ra đều bất tử và sẽ gặp lại nhau ở trên Thiên Đàng vì tất cả đều đã được phong thánh. Ngoài ra còn nhiều cơ sở văn hóa, giáo dục, thể thao vì SLC có đội bóng rổ nổi tiếng Utah Jazz. Tại SLC có một ngôi vườn quốc tế Jordan Park’s International Garden với đại diện của nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có một khu vực do người di dân Việt Nam dựng lên trong đó có một vườn hoa được trồng với hình ảnh của nước Việt Nam. Tại khu vực Temple Square có một đài kỷ niệm một loại chim hải âu có tên là California Seagull ( larus californicus).

Nguyên do là vào năm 1848, đoàn di dân Mormon đầu tiên gồm 4000 người sau khi mới định cư được 1 năm thì sắp sửa thu hoạch mùa lúa winter wheat gặt đầu tiên thì bỗng nhiên các mảnh ruộng của họ bị một đoàn cào cào đến phá hoại. Toàn thể dân chúng đều kinh hoàng vì cầm chắc một cơn chết đói sẽ xảy ra vào mùa Đông nhưng sau khi cầu nguyện thì có một đoàn chim hải âu từ phía Tây bay tới tiêu diệt hết sạch đám cào cào và cứu thoát nhóm người Mormon khiến họ mang ơn lập đài kỷ niệm dùng chim hải âu là biểu tượng cho tiểu bang Utah. Phép lạ này chỉ xảy ra có một lần duy nhất trong lịch sử Utah nên người Mormon tin tưởng là Thượng Đế đã xót thương họ và dành mảnh đất này cho con cháu họ mãi mãi về sau. Giặc cào cào giống như trong câu truyện 10 tai ách của Ai Cập trong Kinh thánh khiến làm cho người Mormon càng vững tin ở phép lạ đã cứu thoát họ và Utah là một miền Đất Hứa do Thượng Đế ban cho giống như trong Kinh Thánh mô tả người Do Thái vào Thánh Địa Canaan. Ngày nay chim hải âu được bảo vệ bởi luật pháp và sinh sống tại khu vực các hồ nước mặn giúp giữ gìn mùa màng chống lại nạn con trùng phá hoại. Một số thương gia Mormon đã đầu tư lập ra nhiều xí nghiệp ở Việt Nam chế tạo hộp đựng đồ dùng, đựng giày dép mượn nhiều công nhân Việt Nam được đối xử tốt và bình đẳng.

 Bang Utah   quê hương của những người theo đạo Mormon


Kinh tế

Tuy vào lúc khởi thủy, kinh tế của Utah hoàn toàn dựa trên nông nghiệp do sức lao động của người Mormon đã biến một vùng đất khô khan, hoang vu thành một trong những nơi sản xuất thực phẩm cho cả nước từ chăn nuôi cho tới các loại ngũ cốc, hoa màu, trái cây.. nhưng sau khi các nhà địa chất tìm ra nhiều mỏ đồng, sắt, vàng, than đá, quý kim thì các đại công ty đổ tiền của vào đầu tư thí dụ như mỏ đồng Bingham được coi là lớn nhất thế giới và sau đó chính phủ liên bang cũng xây dựng nhiều kỹ nghệ quốc phòng như võ khí cao kỹ, hỏa tiễn liên lục địa Thiokol.. khiến ngày nay SLC và vùng phụ cận được coi như là thủ đô kinh tế, văn hoá giáo dục của vùng núi Rockies..

Vì đạo Mormon có chủ trương truyền đạo hải ngoại rất mạnh và các sinh viên Mormon được đào tạo ở Đại Học Brigham Young University được huấn luyện kỹ lưỡng về các ngoại ngữ nên họ đã đóng góp nhiều vào việc thu hút các công ty ngoại quốc như Nhật Bản, Âu Châu, Đài Loan, Việt Nam.. đầu tư vào Utah. Riêng tại Hawaii có một chi nhánh của Đại Học Brigham Young chuyên huấn luyện các sinh viên Mormon về truyền đạo tại các nước Á Đông như Nhật, Trung Quốc và cả Việt Nam.. nên các du khách đến thăm Honolulu có thể gặp một số sinh viên Mỹ ăn nói thành thạo tiếng Tàu, Nhật, Việt Nam, Thái. Một số dân Việt Nam tỵ nạn ở Utah sau một thời gian cư ngụ thì các thanh niên thuộc thế hệ thứ hai cũng gia nhập cộng đồng Mormon khá đông, theo học tại đại học Brigham Young và đóng góp vào việc truyền đạo hải ngoại ở Việt Nam..

Giáo Hội Mormon nhờ được sự đóng góp trung tín của các tín đồ nên ngày nay có một ngân quỹ được coi là lớn nhất trong các tôn giáo ở Mỹ nên đã đóng góp rất nhiều vào việc đầu tư phát triển kinh tế của Utah nên khu hành lang chạy dài từ Logan ở phía Bắc xuống Provo với SLC ở giữa đang trở thành một trung tâm cao kỹ tin học và công nghiệp Y học, sinh hóa học của miền Tây và kinh tế ngoại thương rất phát triển sang các nước Á Châu.

Cộng đồng Việt Nam có khoảng trên 6000 người phần lớn tập trung ở Salt Lake City và các sinh viên VN đa số cũng thích theo học ở Brigham Young sau khi gia nhập Giáo Hội Mormon và trở thành những tín đồ trung tín đi truyền đạo khắp nơi, một số ít theo học các Đại Học công lập của chính phủ là University of Utah ở Logan với trên 12000 sinh viên.

Nhờ các di tích lịch sử và phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ nên gần đây kỹ nghệ du lịch và thể thao phát triển mạnh, nhờ các khu núi non có nhiều tuyết phủ vào mùa Đông nên Utah đã trở thành một trong những nơi thể thao mùa Đông lớn của nước Mỹ bên cạnh Colorado, Wyoming khiến kỹ nghệ du lịch tại Utah rất phát triển.

Vì là một tiểu bang miền núi nên Utah có rất nhiều công viên quốc gia nổi tiếng và các khu vực đồi núi lạ lùng do các hiện tượng địa chất tạo nên. Ở phía Nam có công viên Bryce Canyon với những núi đá được đẽo gọt thành những hình thù kỳ dị và Zion national Park. Tại phía Đông Nam có công viên Canyonlands và Monument Valley được các hãng phim dùng làm nơi để giàn cảnh nhưng cuốn phim cao bồi miền Tây được cả thế giới quen thuộc vì những hình ảnh các đoạn phim ghi lại những màn chiến đấu, đọ súng giữa người di dân và người da đỏ. Sự thực thì những cuộc chiến khai phá miền Tây thường diễn ra ở Missouri, Dakota.. chứ Utah vào lúc đó chỉ là một mảnh đất hoang vu không có người lai vãng. Những cuốn phim Indiana Jones, Geronimo, Thelma and Louise đã được quay ở đây. Nhưng nổi tiếng nhất có lẽ là công viên Arches National Park vì có nhiều đồi núi, cầu thiên tạo bằng sa thạch ( sandstone) mỗi năm thu hút trên nửa triệu du khách đến thăm những hiện tượng địa chất có một không hai trên thế giới. Thị trấn Moab là nơi để cho du khách đi thăm viếng các công viên quốc gia ở Utah. Thành phố Park City được tờ báo Forbes sắp hạng là một trong những thành phố đẹp nhất nước Mỹ..

Kho tàng năng lượng của nước Mỹ

Bên cạnh những nông trại trù phú và các thị trấn sạch sẽ, bình yên, kinh tế phồn thịnh thì hiện nay Utah được các chuyên viên kinh tế rất chú ý vì ờ phía Đông các chuyên viên địa chất đã tìm ra được nhiều mỏ hơi đốt và dàu khí rất lớn cùng với than đá, uranium khiến Utah cùng với Wyoming, Colorado được coi là kho tàng năng lượng dự trữ của nước Mỹ nếu sau này các mỏ dàu hỏa trên thế giới bị khô cạn hoặc giá quá cao. Vùng Green River có những mỏ dàu đá oil shale khổng lồ với trữ lượng lên tới hàng trăm tỷ thùng dàu nếu được khai thác bằng phương tiện cao kỹ nhưng hiện nay chưa thực hiện được vì giá thành quá cao còn phải chờ đợi những kỹ thuât mới hoặc khi nào giá dàu thô lên tới trên 70,80 Mỹ kim. Với cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay thì các công ty đang nghiên cứu lại những kế hoạch khai thác dàu đá trong khi chờ đợi tình thế xoay chuyển trên thế giới năng lượng.

BS Vũ văn Dzi,MD.

Cùng Danh Mục :

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>