Bài phát biểu của Đại sứ Michalak tại lễ khai trương EducationUSA
Bài phát biểu của Đại sứ Hoa Kỳ Michael Michalak tại
Lễ cắt băng khai trương Trung tâm Tư vấn Giáo dục Hoa Kỳ 13/9/2010
Kính thưa các quan chức đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cán bộ ngành giáo dục, các vị khách quý và các nhà báo. Xin cảm ơn quý vị đã có mặt tại buổi lễ hôm nay để cùng tôi chính thức khai trương Trung tâm Tư vấn Giáo dục Hoa Kỳ (EducationUSA) tại Hà Nội.
EducationUSA là một mạng lưới toàn cầu gồm hơn 400 trung tâm tư vấn được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hỗ trợ. Đây là cơ quan tư vấn giáo dục đại học chính thức duy nhất của Chính phủ Hoa Kỳ tại nước ngoài. Trung tâm Tư vấn Giáo dục Hoa Kỳ là một bộ phận không thể thiếu trong nỗ lực lớn hơn của chúng tôi nhằm thúc đẩy hơn nữa sự hiểu biết về các cơ hội giáo dục tại Hoa Kỳ và lợi ích của nền giáo dục Mỹ.
Nhiệm vụ của Trung tâm Tư vấn Giáo dục Hoa Kỳ là quảng bá nền giáo dục đại học Hoa Kỳ qua việc cung cấp các thông tin toàn diện, khách quan và chính xác về các cơ sở giáo dục tại Hoa Kỳ, đồng thời tư vấn cho mọi người về cách thức tiếp cận các cơ hội này. Tất cả các dịch vụ hỗ trợ này đều được cung cấp hoàn toàn miễn phí cho công chúng. Sinh viên và các bậc cha mẹ có quan tâm và thực sự nghiêm túc về việc học tập tại Hoa Kỳ sẽ đều nhận được sự giúp đỡ của Trung tâm.
Chuyên viên tư vấn của chúng tôi, cô Huyền, là cựu sinh viên của Đại học Northern Iowa và Đại học Marshall. Cô hiện là nhân viên chính thức của Đại sứ quán Hoa Kỳ và sẽ giúp các sinh viên Việt Nam tìm kiếm các trường đại học phù hợp với mục đích và sở thích của họ. Tuy vậy, chúng tôi hiểu rằng việc lựa chọn một trường phù hợp trong số hàng ngàn trường đại học xuất sắc tại Hoa Kỳ có thể là một thách thức lớn. Sẽ có các câu hỏi như liệu tôi nên theo học tại trường đại học công hay đại học tư? Kỹ năng tiếng Anh của tôi có đủ để giúp tôi học tập thành công Hoa Kỳ? Và một câu hỏi mà nhiều cha mẹ thường quan tâm là họ sẽ chi trả cho việc học của con mình như thế nào. Chuyên viên tư vấn của chúng tôi có thể giúp các bạn sinh viên và các bậc cha mẹ tìm ra câu trả lời, cũng như giúp đỡ họ tiến hành một quy trình không mấy quen thuộc là nộp đơn vảo trường mà họ đã lựa chọn.
Một số phụ huynh có thể lựa chọn cách làm việc thông qua một đơn vị trung gian để tìm trường phù hợp ở Mỹ cho con mình. Các đơn vị trung gian này là đại diện tại Việt Nam của một trường hoặc một nhóm trường, họ được trả tiền cho dịch vụ của mình hoặc từ các bạn, tức là các khách hàng, hoặc từ chính các trường mà họ đại diện, hoặc từ cả hai. Nếu bạn đang cân nhắc việc sử dụng dịch vụ của một đơn vị trung gian, bạn cần tìm hiểu kỹ về lệ phí phải trả cho các dịch vụ của đơn vị đó. Bạn cũng cần hiểu rằng các đơn vị trung gian không đảm bảo việc con bạn sẽ được nhận vào trường, cũng như việc con bạn sẽ được cấp visa du học.
Bất cứ đại lý nào hứa hẹn với bạn rằng họ sẽ đảm bảo thực hiện một trong hai điều trên cho bạn, họ đang không trung thực hoàn toàn với bạn. Đại sứ quán và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ không xác nhận bất cứ đại lý nào, cũng như không giám sát hoạt động của họ tại nước ngoài. Do đó, chúng tôi khuyến khích các phụ huynh và các em học sinh cần có sự tìm hiểu và xác minh đầy đủ trước khi ký hợp đồng với một đại lý nào đó, để đảm bảo rằng bạn sẽ nhận được đúng những dịch vụ mà bạn đã trả tiền cho. Cũng cần nhớ rằng bạn không cần phải trả tiền để có thể nhận được các hỗ trợ tư vấn giáo dục. EducationUSA cung cấp dịch vụ này hoàn toàn miễn phí.
Mỗi năm, hơn 600.000 sinh viên quốc tế, trong đó có hơn 13.000 sinh viên Việt Nam, chọn du học tại Hoa Kỳ. Con số này thể hiện mức tăng 960% về số sinh viên Việt Nam có mặt tại Hoa Kỳ so với năm 1997. Một trong những lý do chính của hiện tượng này là chất lượng của các tổ chức giáo dục đại học. Để duy trì các tiêu chuẩn cao đó, Hoa Kỳ dựa vào một hệ thống phi tập trung hoá về đảm bảo chất lượng, gọi là kiểm định chất lượng. Tôi biết đây là một vấn đề được quan tâm ở Việt Nam và tôi muốn giải thích với các bạn về hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục ở Hoa Kỳ. Đây là hệ thống đánh giá và công nhận các tiêu chuẩn chất lượng cho các chương trình và các cơ sở đào tạo đại học. Ở Hoa Kỳ, kiểm định chất lượng là quy trình mang tính tự nguyện và không do một cơ quan quản lý cấp trung ương thực hiện, giống như ở hầu hết các nước khác. Điều này có nghĩa là sinh viên tự quyết định việc tìm hiều xem một trường đại học có được kiểm định hay không.
Do ở Hoa Kỳ không có hệ thống kiểm định chất lượng ở cấp trung ương, các trường cao đẳng và đại học được kiểm định theo vùng do sáu hiệp hội kiểm định độc lập cấp vùng. Sáu tổ chức vùng này công nhận gần 4.000 cơ sở đào tạo có cấp bằng trên toàn nước Mỹ. Các chuyên gia tư vấn của EducationUSA đại diện cho tất cả các trường được kiểm định tại Hoa Kỳ. Hoa Kỳ phát triển hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục của mình vào những năm 1950, khi đó các quân nhân Mỹ trở về từ Chiến tranh Triều Tiên được nhận trợ cấp của chính phủ để nối lại việc học của mình. Nhu cầu đối với việc học tăng cao và không được đáp ứng với các cơ sở vốn có, do đó các trường cao đẳng và đại học mới đã ra đời. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường này đều duy trì được tiêu chuẩn học tập cao. Chính phủ Hoa Kỳ đã đưa ra các điều luật quy định việc vận hành một hệ thống đánh giá đồng đẳng phi chính phủ, làm cơ sở cho việc đo lường chất lượng của các cơ sở giáo dục thông qua sáu cơ quan độc lập cấp vùng như tôi đã đề cập.
Hiện nay, Bộ Giáo dục Hoa Kỳ và Hội đồng Kiểm định Chất lượng Giáo dục Đại học (đây là một tổ chức phi chính phủ) đảm nhận trách nhiệm công nhận các tổ chức kiểm định trường đại học và cung cấp các thông tin hướng dẫn cũng như các tài liệu và số liệu liên quan đến các tổ chức kiểm định này. Nhưng hãy nhớ rằng Bộ Giáo dục Hoa Kỳ và Hội đồng Kiểm định Chất lượng Giáo dục Đại học không thực hiện công việc kiểm định trường đại học. Các tổ chức kiểm định được phân chia theo 2 cấp: Kiểm định cấp khu vực và kiểm định cấp quốc gia. Các trường đại học được kiểm định cấp khu vực thường có định hướng học thuật và phi lợi nhuận. Các trường được kiểm định cấp quốc gia thường là các cơ sở lợi nhuận, cung cấp các chương trình đào tạo kỹ thuật, chương trình dạy nghề và hướng nghiệp.
Cũng giống như các trường đại học khi cân nhắc việc hợp tác với các trường đại học Hoa Kỳ, sinh viên Việt Nam cần khảo sát và kiểm tra kỹ lưỡng về trường mà họ muốn theo học để quyết định xem liệu trường đó có đáp ứng các tiêu chuẩn học thuật mà mình mong đợi hay không. Tương tự, các trường đại học Việt Nam mong muốn hợp tác với các trường đại học Hoa Kỳ cũng cần nghiên cứu kỹ lưỡng và xác định xem liệu họ có muốn xây dựng quan hệ đối tác dựa trên các tiêu chuẩn cao về học thuật hay không. Bước đầu tiên và quan trọng nhất để quyết định tính hợp pháp và chất lượng của một trường đại học là kiểm tra xem liệu trường đó có được kiểm định chất lượng bởi một tổ chức kiểm định “được công nhận” hay không. Để biết được điều này, hãy tham khảo thông tin trên trang web của Bộ Giáo dục Hoa Kỳ và Hội đồng Kiểm định Chất lượng Đại học. Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin về kiểm định chất lượng giáo dục đại học trên trang web của ĐSQ Hoa Kỳ; trang web này có các câu hỏi cụ thể hướng dẫn bạn đánh giá chất lượng một trường đại học.
ĐSQ Hoa Kỳ cũng rất quan tâm tới việc thúc đẩy quan hệ sâu rộng hơn giữa các trường đại học Hoa Kỳ và các trường đại học Việt Nam. Như vậy, vấn đề kiểm định chất lượng sẽ là điểm khởi đầu cho tất cả các cuộc thảo luận. Nếu một trường đại học Hoa Kỳ bất kỳ không được kiểm định chất lượng hoặc không có kế hoạch tích cực để được kiểm định, chúng tôi sẽ không ủng hộ nỗ lực của trường đó khi thiết lập quan hệ đối tác với các trường nước ngoài. Lý do là trường đó đã không nỗ lực chứng tỏ rằng họ đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng cần thiết. Đồng thời, chúng tôi khuyến khích các trường đại học Việt Nam tiếp tục ủng hộ các chương trình đào tạo liên kết với các trường được kiểm định của Hoa Kỳ, do các chương trình này đem lại cho sinh viên Việt Nam nhiều lợi ích của nền giáo dục Hoa Kỳ ngay tại Việt Nam.
Trong ba năm vừa qua, tôi đã rất nỗ lực để xây dựng quan hệ hợp tác giáo dục bền vững giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Ngoài việc tăng số lượng sinh viên Việt Nam sang học tập tại Hoa Kỳ và xây dựng các chương trình liên kết đào tạo, chúng tôi cũng đã thiết lập các mối quan hệ đối tác công tư như chương trình giữa Intel và Đại học Bang Arizona, tập trung đào tạo kỹ sư bậc đại học. Chương trình này được USAID bắt đầu thực hiện mới chỉ 3 tuần trước đây. Tôi biết rằng thông qua mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn trong lĩnh vực giáo dục giữa hai quốc gia, Việt Nam có thể tiếp tục quá trình tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của mình, đồng thời sẽ ngày càng có nhiều học giả và các nhà nghiên cứu của Việt Nam đã học tập tại Hoa Kỳ, trong đó có hàng trăm cựu sinh viên và các học giả đã tham gia chương trình học bổng Fulbright và các chương trình của Quỹ Giáo dục Việt Nam của Hoa Kỳ (VEF), sẽ được ghi nhận vì những thành tích và đóng góp nổi bật của họ không chỉ cho đất nước của các bạn mà còn cho cả thể giới.
Leave a Reply