10 điều lý thú mà người Mỹ không biết về nước Mỹ
Lời người dịch: Bài viết của một anh chàng người Mỹ đã đi nhiều nơi trên thế giới, viết nhiều cuốn sách bán chạy và có một trang blog nhiều người xem. Cá nhân mình nhận thấy, những điều được kể ra bên dưới, trừ điều số 5 và 9 ra, còn lại nếu được chỉnh sửa một chút cũng khá đúng với những gì người Việt chưa biết về đất nước của mình và về thế giới. Bài viết có nhiều màn “rào trước đón sau” để tránh những tranh cãi không cần thiết, và mỗi luận ý được diễn giải kĩ lưỡng. Lẽ ra có thể cắt hết để trở nên ngắn gọn, dễ đọc, dễ copy như những bài “10 điều …” thường thấy trên mạng, nhưng tôn trọng tác giả, và cũng là một tham khảo tốt về phương pháp viết blog, mình cố gắng giữ nguyên toàn bộ bài viết.
Mark Manson |
1. Rất ít người phát cuồng vì chúng ta
Trừ phi bạn gặp một tay môi giới địa ốc hay một gái mại dâm, còn thì bình thường người ngoại quốc không có gì hào hứng đặc biệt khi biết bạn là người Mỹ. Đó không phải một huân chương danh dự mà chúng ta có thể đem đi diễu khắp nơi. Đúng là, chúng ta có Steve Jobs và Thomas Edison, nhưng trừ phi bạn chính là Steve Jobs hay Thomas Edison ( cái này khả năng hơi bị thấp), còn không thì phần lớn mọi người trên thế giới không quan tâm.
2. Rất ít người ghét chúng ta
Cho dù thỉnh thoảng có những cái rợn mắt, và những lần bó tay không hiểu tại sao có người lại bầu cho George W.Bush, còn thì người nước ngoài cũng không hề ghét chúng ta. Thực tế, phần lớn mọi người trên thế giới không nghĩ tới hay quan tâm tới chúng ta. Tôi biết, nghe có vẻ khó tin, đặc biệt khi CNN và Fox News chiếu đi chiếu lại 20 gã A rập giận dữ trong suốt mười năm trời. Nhưng trừ những lúc chúng ta đang xâm lược hay đe dọa xâm lược nước họ ( cái này khả năng hơi bị cao), còn lại thì 99.99% họ không quan tâm tới chúng ta. Giống như chúng ta ít khi nghĩ đến những người ở Bolivia và Mông Cổ, phần lớn mọi người không nghĩ nhiều về chúng ta. Họ có công việc, con cái, tiền thuê nhà – bạn biết đó, những thứ mà họ gọi là “cuộc sống” – để lo lắng. Giống như chúng ta.
Người Mỹ hay nghĩ rằng cả thế giới yêu quý hay thù ghét chúng ta ( đây là một cách tốt để biết một người thuộc phe bảo thủ hay tự do). Sự thật thì, phần lớn người ta đơn giản là không quan tâm.
Bạn có nhớ cô gái mới lớn ở trường trung học, người mà mỗi thứ nhỏ nhặt xảy ra có nghĩa là ai đó ghét hay là đang phát cuồng vì cô ta; người nghĩ rằng mỗi giáo viên cho cô ta điểm xấu là hoàn toàn thiên vị, và mỗi điều tốt đẹp xảy đến là vì cô ta thật đặc biệt? Đúng vậy, chúng ta là cô nữ sinh trung học đó.
3. Chúng ta không biết gì về phần còn lại của thế giới
Cho dù tự nhận là thủ lĩnh toàn cầu và cho rằng mọi người đi theo đuôi mình, chúng ta lại không biết gì nhiều về những “kẻ đi theo”. Họ thường có những cách nhìn hoàn toàn khác về lịch sử so với chúng ta. Đây là một số điều từng làm tôi rối trí: người Việt Nam chủ yếu nghĩ tới việc đánh nhau với Trung Quốc ( chứ không phải chúng ta), Hitler chủ yếu là bị đánh bại bởi nước Nga ( chứ không phải chúng ta), cuộc Cách mạng Mỹ thắng lợi một phần vì người Anh tập trung nhiều công sức hơn để đánh người Pháp ( chứ không phải chúng ta). Nhận thấy sự giống nhau không? (Gợi ý: Không phải tất cả là về chúng ta. Thế giới phức tạp hơn nhiều.)
Chúng ta không sáng tạo ra nền dân chủ. Chúng ta thậm chí không sáng tạo ra nền dân chủ hiện đại. Đã có hệ thống nghị viện ở Anh và nhiều phần khác của châu Âu hơn một trăm năm trước khi chúng ta thành lập chính phủ. Trong một cuộc khảo sát gần đây, 63% người Mỹ trẻ không thể tìm thấy Iraq trên bản đồ ( cho dù đang chiến tranh với họ), và 54% không biết Sudan nằm ở châu Phi. Vậy mà, thế nào đó chúng ta luôn tin rằng mọi người khác ngưỡng mộ mình.
4. Chúng ta rất dở trong việc thể hiện tình yêu thương và sự cảm kích
Có một câu đùa về những người nói tiếng Anh. Chúng ta nói “Biến mẹ mày đi!” khi ta thực sự muốn nói “Tôi thích bạn”, và chúng ta nói “Tôi thích bạn” khi ta thực sự muốn nói “Biến mẹ mày đi!”.
Ngoại trừ những lúc say xỉn và gào lớn “I LOVE YOU, MAN!”, thì văn hóa Mỹ ít khi biểu lộ ra ngoài tình yêu thương. Văn hóa Mỹ Latin và châu Âu gọi chúng ta là “lạnh lùng” và “thiếu cảm xúc” là có lý do. Trong cuộc sống chúng ta không nói điều ta nghĩ và không nghĩ điều ta nói.
Trong văn hóa của chúng ta, tình thương và sự cảm kích được tự hiểu hơn là nói thẳng ra. Hai người bạn gọi tên nhau để củng cố tình bạn; nam và nữ trêu chọc nhau để thể hiện sự quan tâm. Cảm xúc gần như không bao giờ được chia sẻ thẳng thắn và thoải mái. Văn hóa tiêu thụ làm xói mòn ngôn ngữ của tình thương. Một câu như “Rất vui gặp lại bạn” bây giờ hoàn toàn trống rỗng bởi vì lúc nào người ta cũng nói như thế.
5. Chất lượng cuộc sống trung bình của người Mỹ không quá vượt trội
Nếu bạn rất tài giỏi hay thông minh, nước Mỹ là nơi tốt nhất để sống. Hệ thống của chúng ta giúp cho những người có tài năng và lợi thế vươn lên đỉnh rất nhanh.
Vấn đề với nước Mỹ, đó là mọi người nghĩ rằng họ có tài năng. John Steinbeck từng nói, vấn đề đối với người Mỹ nghèo đó là “họ không tin rằng họ nghèo, họ chỉ là những triệu phú sa cơ mà thôi.” Đó là nền văn hóa tự huyễn hoặc cho phép người Mỹ tiếp tục đổi mới và xây dựng nền công nghiệp vượt trội hơn bất kì ai trên thế giới. Nhưng sự tự huyễn này tạo ra nhiều bất công xã hội và khiến cho chất lượng cuộc sống của một công dân trung bình thấp hơn hầu hết các nước phát triển. Đó là cái giá chúng ta trả cho sự phát triển và thống trị về kinh tế.
Trong một bài viết khác, tôi định nghĩa sự giàu có là “Có được sự tự do để tối đa hóa trải nghiệm sống”. Dưới góc nhìn đó, cho dù người Mỹ bình quân có nhiều sự giàu có vật chất hơn hầu hết mọi người trên thế giới ( nhiều xe hơi, nhà lớn, TV đẹp), chất lượng cuộc sống lại kém hơn. Người Mỹ trung bình làm nhiều giờ hơn với ít ngày nghỉ hơn, tốn nhiều thời gian hàng ngày di chuyển giữa nhà với nơi làm việc, và bị đè đầu cưỡi cổ bởi hơn $10,000 nợ. Đó là quá nhiều thời gian dành cho làm việc và mua sắm những thứ không cần thiết, và ít thời gian hay tiền bạc dành cho những mối quan hệ, hoạt động và những trải nghiệm mới.
6. Phần còn lại của thế giới không phải là một khu ổ chuột khổng lồ
Năm 2010, tôi trèo lên một chiếc taxi ở Bangkok để tới một khu phức hợp chiếu phim sáu tầng. Có thể đến đó bằng xe điện ngầm, nhưng tôi chọn taxi. Trên lưng ghế trước mặt tôi là một tấm biển với password wifi. Hả, thật sao? Tôi hỏi người tài xế chẳng lẽ anh ấy có wifi trong taxi. Anh ta nở một nụ cười lớn. Anh chàng người Thái thấp bé, nói tiếng Anh bồi, giải thích rằng anh tạ tự lắp đặt nó. Rồi anh ta bật hệ thống âm thanh và dàn đèn disco lên. Chiếc taxi bỗng dưng trở thành một hộp đêm di động … với wifi miễn phí.
Nếu có gì để nói về những chuyến đi trong ba năm vừa qua, thì đó là hầu hết những nơi tôi ghé thăm ( đặc biệt là châu Á và Nam Mỹ) đều rất dễ chịu và an toàn hơn tôi tưởng tượng. Singapore trong lành và nguyên vẹn. Hong Kong khiến Manhattan trông giống như một vùng ngoại ô. Nơi tôi sống ở Colombia đẹp hơn nơi tôi từng sống ở Boston ( và rẻ hơn).
Là người Mỹ, chúng ta có một niềm tin ngây thơ rằng mọi người trên thế giới phải lăn lộn khổ sở và thua kém chúng ta về nhiều mặt. Sự thật không phải như vậy. Thụy Điển và Hàn Quốc có hệ thống internet nhanh hơn hẳn. Nhật Bản có hệ thống đường sắt và giao thông tiên tiến nhất. Người Na Uy làm ra nhiều tiền hơn. Những chiếc máy bay to lớn và hiện đại nhất cất cánh từ Singapore. Những tòa nhà cao nhất giờ đây nằm ở Dubai và Thượng Hải. Trong khi đó, nước Mỹ có tỉ lệ tù nhân lớn nhất thế giới.
Điều kì lạ nhất về thế giới đó là, phần lớn nó không có gì kì lạ. Tôi sống một tuần với vài người dân Cambodia. Bạn biết mối quan tâm lớn nhất của họ là gì không? Trả tiền học phí, đi làm đúng giờ, bạn bè nói gì về mình. Ở Brazil, người ta gặp vấn đề về nợ, ghét kẹt xe và than phiền về người mẹ quan tâm quá mức. Mọi đất nước nghĩ rằng dân của họ lái xe tệ nhất thế giới. Mọi đất nước nghĩ rằng thời tiết của họ kì quặc nhất thế giới. Thế giới trở nên, ờ … dễ dự đoán.
7. Chúng ta quá đa nghi
Không chỉ thiếu vững vàng về cảm xúc, chúng ta còn đa nghi quá mức về an nguy cho bản thân. Bạn không cần phải xem Fox News hay CNN hơn 10 phút để nghe thấy rằng thứ nước chúng ta uống sắp giết chết chúng ta, hàng xóm chúng ta sắp hãm hiếp con em chúng ta, vài gã khủng bố từ Yemen sắp giết chết chúng ta vì chúng ta chưa tra tấn hắn, dân Mexico sắp giết chết chúng ta, hay vài con virus từ một con chim sắp giết chết chúng ta. Có một lý do mà chúng ta có số lượng súng nhiều hơn dân số.
Ở Mỹ, an ninh đặt trên tất cả, kể cả tự do. Chúng ta quá đa nghi. Tôi đã đi tới 10 nước mà bạn bè và gia đình ở nhà khuyên tôi không nên đi bởi vì sẽ có kẻ giết tôi, bắt cóc, đâm, cướp, hãm hiếp, bán tôi làm nô lệ tình dục, lây cho tôi HIV, hay gì đó khác. Chưa điều nào xảy ra với tôi. Tôi chưa hề bị cướp và đã đi qua những phần tồi tệ nhất của châu Á, Mỹ Latin và Đông Âu.
Thực tế, trải nghiệm của tôi là ngược lại. Ở những nước như Nga, Colombia hay Guatemala, người dân thật cởi mở, đôi khi tới mức làm tôi sợ. Vài người lạ mặt trong quán bia mời tôi về nhà ăn tối cùng với gia đình họ, một người mới gặp trên phố sẵn lòng dẫn đường cho tôi đi tới cửa tiệm mà tôi đang tìm. Bản năng Mỹ của tôi luôn nói “Chờ đã, gã này sắp cướp hay giết mình,” nhưng họ chưa bao giờ làm thế. Họ chỉ vô cùng hiếu khách.
8. Chúng ta nghiện danh hão và muốn được chú ý
Tôi để ý cách người Mỹ giao tiếp thường hay cố tạo nên sự chú ý. Tôi nghĩ đây cũng là sản phẩm của nền văn hóa tiêu thụ: niềm tin rằng một thứ là vô nghĩa nếu nó không phải là cái gì đó đứng nhất, hay nó không gây được nhiều sự chú ý.
Chúng ta nghiện danh tiếng. Văn hóa của chúng ta xây dựng quanh thành tựu và việc trở nên vượt trội. Vì thế chúng ta hay so sánh lẫn nhau và cố vượt qua người khác. Ai có thể uống nhiều bia nhất? Ai đặt chỗ được ở nhà hàng tốt nhất? Ai hẹn hò với cô gái hot nhất? Giao tiếp xã hội biến thành một cuộc thi, và nếu bạn không thắng, thì tự hiểu rằng bạn không quan trọng và không đáng để quan tâm.
9. Chúng ta sống thiếu lành mạnh
Trừ phi bạn cần chữa ung thư hay thứ gì nguy hiểm tương tự, còn thì hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Mỹ khá tệ. WHO xếp nước Mỹ hạng 37 về chăm sóc y tế, cho dù chúng ta tiêu nhiều tiền nhất trên đầu người cho y tế.
Các bệnh viện ở châu Á đẹp hơn ( với những bác sĩ và y tá đào tạo ở châu Âu) với giá chỉ một phần mười. Một thứ bình thường như một liều vắc-xin có giá hàng trăm đô la ở Mỹ và ít hơn 10 đô la ở Colombia. Và trước khi bạn chế giễu các bệnh viện Colombia: họ được xếp thứ 28 trong danh sách của WHO, hơn chúng ta 9 hạng.
Nhưng đó chưa phải vấn đề thực sự đối với sức khỏe của chúng ta. Thức ăn mới là thứ giết chết chúng ta. Tôi sẽ không đi sâu vào chi tiết, nhưng chúng ta ăn những thứ ních đầy hóa chất vì chúng rẻ và ngon hơn ( lợi nhuận, lợi nhuận). Khẩu phần ăn của chúng ta thật sự khổng lồ ( thêm lợi nhuận). Chúng ta là đất nước béo phì nhất trên thế giới và giá thuốc tốn gấp năm tới mười lần so với ở Canada ( ôi lợi nhuận, tình yêu của tôi).
Về tuổi thọ, cho dù là đất nước giàu nhất, chúng ta xếp hạng 38. ngay sau Cuba, Malta và Các tiểu vương quốc A rập, trên một chút so với Slovenia, Kuwait và Uruguay. Cứ tận hưởng cái Big Mac của bạn đi.
10. Chúng ta nhầm lẫn tiện nghi với hạnh phúc
Nước Mỹ được xây nên dựa trên sự kích thích tăng trưởng kinh tế và sự thiếu chân thành của con người. Doanh nghiệp nhỏ và sự tăng trưởng được tung hô và hỗ trợ trên tất cả – trên cả chăm sóc y tế giá rẻ, trên cả giáo dục, trên tất cả mọi thứ. Người ta tin rằng chăm sóc bản thân và tạo ra thứ gì đó của riêng mình là trách nhiệm của chính bạn, không phải của nhà nước, không phải của cộng đồng, và trong một nghĩa nào đó không phải của gia đình và bạn bè.
Tiện nghi dễ bán hơn hạnh phúc. Nó không cần nhiều cố gắng. Hạnh phúc lại cần cố gắng. Nó đòi hỏi bạn phải chủ động, đối mặt với sợ hãi, vượt qua những tình huống khó khăn, và nói ra những điều khó nói.
Tiện nghi đồng nghĩa với doanh thu. Trong nhiều thế hệ, chúng ta đã được bán tiện nghi, và trong nhiều thế hệ chúng ta đã mua: những ngôi nhà to hơn, càng lúc càng nằm cách ly ở vùng ngoại ô; TV to hơn, nhiều phim ảnh hơn, và thức ăn nấu sẵn. Công chúng Mỹ đã trở nên tự mãn và dễ bảo. Chúng ta béo phì và được cho phép như vậy. Khi đi du lịch, chúng ta tìm đến những khách sạn khổng lồ, nơi sẽ cách ly và âu yếm chúng ta, hơn là cho chúng ta những trải nghiệm văn hóa có thể thay đổi thế giới quan hoặc giúp chúng ta trưởng thành hơn.
Không may, một sản phẩm phụ của sự thành công về thương mại đó là chúng ta có thể trốn tránh những đấu tranh cảm xúc trong cuộc sống để chìm đắm trong những sự thoải mái hời hợt.
Trong suốt dòng lịch sử, mọi nền văn minh thống trị đều sụp đổ bởi vì nó thành công quá mức. Thứ khiến cho nó trở nên mạnh mẽ và độc đáo phát triển quá giới hạn và cuối cùng nuốt chửng cả xã hội. Tôi nghĩ điều này đúng với nước Mỹ. Chúng ta đã trở nên tự mãn, dễ dãi và thiếu lành mạnh. Thế hệ của tôi là thế hệ người Mỹ đầu tiên sẽ tệ hơn cha mẹ của họ, cả về kinh tế, sức khỏe và tình cảm. Và nó không xảy ra vì thiếu thốn tài nguyên, thiếu thốn giáo dục hay thiếu thốn sự ma giáo. Đó là sự hủ hóa và tự mãn. Sự hủ hóa từ nền công nghiệp khổng lồ kiểm soát chính sách của chính phủ, và sự tự mãn của những người chỉ biết ngồi quanh và để điều đó xảy ra.
Có những điều tôi yêu về đất nước tôi. Nhưng tôi nghĩ sai lầm lớn nhất của văn hóa Mỹ là sự tự mãn của chúng ta. Trong quá khứ nó chỉ làm hại nước khác. Bây giờ nó bắt đầu làm hại chính chúng ta.
Nguồn: http://markmanson.net/america
Leave a Reply