“Giới thiệu tổng quan về Giáo dục Đại học Hoa Kỳ”
Tiến sỹ Ashwill, chuyên gia về giáo dục quốc tế, diễn giả của buổi toạ đàm “Giáo dục đại học ở Hoa Kỳ trong mối tương quan so sánh” tổ chức ngày 15.3.2013 tại Trường đại học Tôn Đức Thắng đã mở đầu bài nói chuyện của mình bằng lời khẳng định: “Tôi mang bên mình tấm Hộ chiếu Hoa Kỳ, nhưng điều này không nói lên được đầy đủ tôi là ai”.
Với một quan điểm rất rõ ràng về giáo dục như một nền tảng quan trọng góp phần hình thành nên nhân cách, bản sắc và định vị của một con người, ông đã mang đến cho người tham dự một cái nhìn khá khách quan và chân thực về Hệ thống giáo dục của Hoa Kỳ, như một hình mẫu mà chúng ta cần nghiên cứu với cả những khía cạnh tích cực và tiêu cực. Theo TS Ashwill, những điểm đặc trưng của hệ thống giáo dục ưu tú này là khả năng lựa chọn rất đa dạng cho người học với 4.000 trường công, tư được kiểm định chính thức, từ các trường cao đẳng cộng đồng đến các trường đại học nghiên cứu ; tính đại trà của giáo dục (hơn 42% người ở độ tuổi từ 25 đến 64 đạt được trình độ đại học và trên đại học) ; thương hiệu chất lượng dựa trên bảng xếp hạng quốc tế chính thức (hơn một nửa trong số 100 trường đại học tốt nhất thế giới và 8 trường trong số top 10 là trường của Hoa Kỳ); và cũng dựa trên những câu chuyện truyền miệng – một hình thức marketing mới vô cùng hiệu quả ngày nay ; khả năng chuyển đổi tín chỉ và tính cơ động của bằng cấp ; và cuối cùng là tính quốc tế hoá.
Dưới cách nhìn thận trọng – giáo dục đại học Hoa Kỳ như một hình mẫu tiêu cực – không thể không nói đến những vấn đề như chi phí và vay nợ học phí vô cùng cao: tổng số nợ của sinh viên tính vào tháng 12/2012 lên tới 966 tỉ USD, trung bình mỗi sinh viên khi tốt nghiệp nợ 34.703 USD. Bên cạnh đó sự bảo hoà của nền giáo dục nước này đang gây ra hiện tượng trùng lắp, chồng chéo và thiếu hiệu quả trong hoạt động của các trường; sự tồn tại của những trường không được kiểm định; trong khi đó các trường giáo dục và đào tạo nghề vị thế còn thấp và thiếu đa dạng. Một điểm nữa là tính phù hợp của chương trình học đối với các quốc gia khác chưa được quan tâm đúng mức; và một số chuyên gia cũng đặt ra lo ngại về khả năng của Hệ thống giáo dục Mỹ trong việc đào tạo ra những công dân có phẩm chất của một cư dân toàn cầu.
Ngược lại, nếu như nhìn vào hệ thống giáo dục của cường quốc dẫn đầu thế giới này như một hình mẫu tích cực, một nguồn cảm hứng cho các nhà nghiên cứu, những người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo trên thế giới, chúng ta có thể học hỏi rất nhiều từ sự chú trọng và nghiêm túc của hệ thống giáo dục nước này trong việc kiểm định, quy trình đánh giá chủ động của các trường đồng cấp được phối hợp bởi các tổ chức kiểm định chính quy. Ngoài ra, việc đầu tư rất tốt cho giáo dục đại cương với những kiến thức quan trọng và thực tế cho sinh viên như kỹ năng giao tiếp cơ bản, toán học, lịch sử, văn minh thế giới, ngoại ngữ, khoa học xã hội và nhân văn, văn học nghệ thuật, khoa học tự nhiên… cũng giúp tạo nên một nền tảng vững chắc, góp phần hun đúc bản lĩnh, sự tự tin, phẩm chất của các sinh viên tốt nghiệp ra trường. Bên cạnh đó, sự tài trợ phi lợi nhuận của các tổ chức, cá nhân tư nhân và mô hình giáo dục đại học như một dịch vụ công cộng cũng đóng góp vào sự đa dạng và sức mạnh của hệ thống này.
Nhìn lại Việt Nam, trong bối cảnh toàn cầu hoá về giáo dục, có thể thấy sinh viên Việt Nam đang đầu tư rất nhiều cho việc học của mình. Theo số liệu của DHS năm 2011, Việt Nam đang đứng thứ 8 trên toàn thế giới về số lượng sinh viên du học với hơn 18.500 sinh viên (đứng đầu là Trung Quốc – 202.000 sinh viên, Hàn Quốc – 107.000 sinh viên và Ấn Độ – 98.500 sinh viên), 90% số này là du học tự túc trong khi GDP của Việt Nam chỉ đứng thứ 43 trên thế giới. Để việc đầu tư này được hiệu quả, mỗi sinh viên và gia đình cũng như toàn xã hội sẽ phải nghiên cứu và cân nhắc kỹ lưỡng về lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội, những kiến thức chung và kiến thức chuyên ngành, kỹ năng mềm cũng như việc giao lưu văn hoá, xây dựng mạng lưới mà sinh viên sẽ tiếp cận và lĩnh hội được.
Sau phần trình bày của TS Ashwill và phần đối thoại giữa ông và cô Tôn Nữ Thị Ninh, khách mời và đặc biệt các bạn sinh viên của Đại học Tôn Đức Thắng đã tham gia thảo luận rất sôi nổi về nhiều mặt của đề tài, trong đó có việc hiểu về hệ thống bằng cấp và kiểm định của Mỹ, cách thức đăng ký học sau đại học tại Mỹ cũng như làm sao để áp dụng những thế mạnh giáo dục Mỹ vào Việt Nam trong bối cảnh hiện tại.
Hiện nay, học phí cho một khoá học 4 năm tại trường công lập của sinh tại Mỹ vào khoảng 30.000 USD, và tại hệ thống các trường tư (phi lợi nhuận) vào khoảng trên 39.000 USD. Mỹ là nước chủ nhà hàng đầu đón nhận sinh viên quốc tế với hơn 764.000 sinh viên nước ngoài đến du học tại đây trong năm học 2011/12. Hệ thống giáo dục đại học Hoa Kỳ đang đóng góp 22,7 tỉ USD vào nền kinh tế nước này, với vô số lợi ích vô hình khác cho xã hội Mỹ.
Nguồn: http://www.capstonevietnam.com
Leave a Reply