Nụ hôn bất tử trên San Diego
Ra khỏi Los Angeles náo nhiệt, ra khỏi Hollywood và Las Vegas quá mức đông vui, người ta tìm thấy ở San Diego một sự bình yên thanh thản với bờ vịnh dài rộng, với phố xá mát mẻ và ít ồn ào. Ở đây vẫn còn hệ thống xe điện nhỏ chạy bánh lốp, không có tiếng ồn, lặng lẽ và thong thả trôi qua các dãy phố rợp bóng cây xanh.
Tuyệt vời vịnh San Diego…
San Diego nằm ngay bên bờ Thái Bình Dương, lại sát biên giới Mexico, khí hậu ấm áp quanh năm với bầu trời trong xanh đến nao lòng. Tại đây, con vịnh lạ kỳ chạy dài như một cái ruột tượng, với bờ bao bên ngoài thẳng băng như thể được tạo hóa đúc ra để quây lấy vịnh biển hiền hòa. Với một địa hình như thế, việc thiết lập một căn cứ hải quân hùng hậu tại đây là điều dễ hiểu, và hiện nay đây chính là nơi đồn trú của Hạm đội Hải quân Thái Bình Dương lớn nhất nước Mỹ. Việc cung ứng các dịch vụ cho hải quân đã đóng một vai trò khá quan trọng trong cơ cấu kinh tế của thành phố này.
Bên bờ vịnh có một viện bảo tàng nổi, đó là USS Midway Museum đặt trên một chiếc tầu sân bay của Hạm đội Hoa Kỳ đã từng tham chiến ở Việt Nam. Nó có sức chứa 4.500 người và chở được hơn 100 máy bay.
Đứng trên tầu du lịch chạy dọc theo bờ vịnh, toàn cảnh thành phố San Diego sẽ hiển hiện ra trước mắt các bạn với vô số các tòa cao ốc chen nhau soi bóng xuống vịnh biển trong xanh. Ngắm nhìn rồi ước tính, có lẽ mật độ cao ốc ở đây dày đặc gấp khoảng 3-4 lần các cao ốc Hà Nội, thế nhưng, dân số thành phố này lại chỉ có 1,4 triệu so với gần 7 triệu người Hà Nội. Các cao ốc và các công trình ở đây không quá lớn, không quá dày đặc nhưng đàng hoàng, ngay ngắn và không đơn điệu như ở khu vực Mỹ Đình của ta. Có vẻ như họ đã có một tâm thế bình tĩnh hơn và một tầm nhìn dài hơn các nhà đầu tư mới nổi ở Việt Nam hiện nay.
Vắt ngang qua bầu trời, trong tầm mắt tôi là một cây cầu rất dài vẽ một đường cong vừa mềm mại vừa hiện đại, xóa đi cái nét thực dụng mà các cây cầu thường có, làm cho ta vừa thấy ngưỡng mộ và vừa thấy mềm lòng. Đứng ở bất kỳ nơi đâu trên bờ vịnh, các bạn cũng đều thấy chiếc cầu Coronado khỏe mạnh và duyên dáng. Không chỉ là một tuyến đường giao thông, nó còn là một biểu tượng tuyệt đẹp của San Diego.
Phố cổ Old Town, Hội An của nước Mỹ…
Ở San Diego có một nơi mà rồi bạn sẽ phải rẽ qua, đó là khu phố cổ Old Town, một đô thị nhỏ xinh gồm vài ba khúc phố ngắn và được bảo tồn như nó đã có từ xưa. Năm 1602 người Tây Ban Nha đến lập nghiệp trên miền đất của thổ dân Kumayaay vốn đã sống ở đây từ hơn 1.000 năm. Bây giờ khu phố này vẫn đầy ắp không khí kiểu thực dân cũ, với các cửa hàng, quán rượu, nhà thờ, tòa án, nhà bưu điện nhỏ xinh. Tất cả đều làm bằng gỗ, một tầng, mái ngói dốc.
Sự nguyên vẹn của Old Town làm cho ta nhớ đến khu phố cổ Hội An, thậm chí nó còn xưa hơn nhiều, vì trong các nhà vẫn còn được sắp xếp bày biện như thể các người chủ cũ vẫn còn đang ở với bàn, ghế, súng ống, đèn dầu, bếp lò của thế kỷ 19. Thế nhưng khác với Hội An, ở đây chỉ còn là để trưng bày, là di tích chứ không đầy ắp không khí của một đời sống thực, vì thế nó giống một bảo tàng ngoài trời mặc dù rất sạch đẹp và được bảo quản cực kỳ chu đáo. Các cửa hàng bày bán rất nhiều các đồ lưu niệm nhưng không thấy dễ gần như ở Hội An.
Giàu và nghèo với khách sạn Coronado
Người giàu đến San Diego sẽ vào khách sạn Coronado để thuê phòng. Tòa khách sạn khổng lồ này được xây hoàn toàn bằng gỗ, rộng mênh mông. Ngay tại phòng lễ tân có một biển đồng lớn có khắc nổi danh hiệu “Khách sạn lịch sử của nước Mỹ”. Được xây năm 1888, ba năm sau khi người châu Âu bắt đầu định cư tại đây, cho đến bây giờ, tất cả các kiến trúc gỗ từ dầm xà, tường vách, các tấm cửa cho đến hành lang, cầu thang vẫn còn nguyên vẹn, tinh tươm như mới và tuyệt đẹp.
Du khách nghèo đến San Diego cũng có thể vào khách sạn này nhưng chỉ để đi thăm như một bảo tàng, một công viên, một di tích rộng lòng đón khách. Bạn có thể vào phòng lễ tân, ra khu café ven biển, ngồi trên ghế vải nhìn ngắm thiên hạ, có thể ra bãi biển rộng, nô đùa thỏa thích nhưng có lẽ bạn chớ có nên gọi một đồ uống hoặc một miếng bánh gato tại đây. Tôi sợ bạn sẽ hối tiếc khi phải nhìn vào tờ hóa đơn nhó xinh trước khi thanh toán.
Và nụ hôn đẹp nhất trong lịch sử nước Mỹ….
Và rồi trước hay sau, sớm hay muộn các bạn cũng sẽ ra tới bờ vịnh Midway, nơi Bảo tàng chiến hạm Midway đang được neo chặt bằng mấy chục dây neo căng ra bốn phía. Chưa kịp nhìn lên các chiếc phi cơ sơn xanh sơn đỏ trên boong, các bạn đã bị đập ngay vào mắt bởi một bức tượng giống hệt người thật, nhưng to và cao đến mức ngỡ ngàng miêu tả nụ hôn giữa một anh chàng lính thủy và một cô y tá. Bức tượng này có một cái tên nghe thật lạ: “Đầu hàng vô điều kiện”. Nếu bạn chưa từng hứa hôn mà vào một ngày đẹp trời, bạn thực hiện được một nụ hôn đúng như kiểu của bức tượng này, bạn hãy tin rằng đối thủ của mình đã và đang “đầu hàng vô điều kiện” rồi đấy.
Hẳn ai có kiến thức một chút sẽ nhận ra bức tượng tuyệt đẹp trên lấy nguyên mẫu từ bức ảnh “The kiss” vô cùng nổi tiếng của phóng viên ảnh Alfred Eisenstaedt lần đầu xuất hiện trên tạp chí Life. Ngày 14/8/1945, chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, người Mỹ đổ cả ra đường chia sẻ niềm vui vô hạn của ngày chiến thắng. Trong vô vàn hình ảnh để bắt vào trong ống kính, bất chợt Alfred thấy một anh chàng thủy thủ cao lớn sải chân chạy giữa đám đông, gặp cô gái nào anh cũng ôm hôn. Vác máy đuổi theo, ông bấm lia lịa. Anh lính thủy bốc đồng đã thấy trước mắt mình một cô y tá xinh đẹp. Anh choàng tay ôm và hôn cô gái. Cô gái ngỡ ngàng, nhưng cô đã chịu khuất phục trước nụ hôn vô tư của chàng lính thủy. Chỉ vài giây nhưng đủ cho Alfred thực hiện bốn cú bấm máy. Và trong số đó có được một bức mà như đã có người nói với anh rằng : “Đến khi mà anh đã ở trên thiên đường rồi, mọi người vẫn còn nhớ mãi tới bức ảnh này”.
Mãi đến 2007 điêu khắc gia nổi tiếng J.Steward Johnson mới dựng thành tượng bức ảnh nổi tiếng này. Ngày khánh thành, chỉ có cô y tá, lúc đó đã là cụ bà Edith Shain là khách mời danh dự. Mấy tháng sau người ta mới biết chàng thủy thủy chính là cụ Glenn McDuffie, khi ấy đã hơn 80 tuổi và chưa hề gặp lại người y tá 62 năm trước mình đã ôm hôn.
Hoàng Hải
Leave a Reply