Cuộc sống học sinh Châu Á ở New York
Ting Shi tại tiệm giặt là của bố mẹ. Cậu đã dành vài năm cho việc ôn thi vào Trường Trung học Stuyvesant. |
Ngay cả khi đã tìm được một căn hộ để sống cùng nhau, bố cậu cũng thường xuyên bàn tới chuyện quay về Trung Quốc. Vì thế, theo lời khuyên của bạn bè và người thân ở quê hương Phúc Châu, Ting dành hơn 2 năm để miệt mài nghiên cứu những cuốn sách ôn thi. Cậu tham gia những lớp học hè và học thêm, thậm chí nghiên cứu cả những công thức Toán học trên đường từ trường về nhà. Buổi chiều nhận được thư thông báo trúng tuyển của Trường Trung học Stuyvesant qua emai, Ting và bố mẹ đang ở tiệm giặt, mùi của thuốc tẩy và tiếng máy giặt quay khiến không khí thêm rộn ràng. “Ai cũng phấn khởi” – Ting nhớ lại. Bố cậu nói rằng ông cảm thấy như đang trẻ lại, và lúc đó ông đã bỏ ý định trở về. “Bố nghĩ thế hệ tiếp theo sẽ có một tương lai tốt đẹp” – ông nói.
Vào ngày thứ Bảy, dự kiến hơn 15.000 sinh viên phải làm một bài kiểm tra khó khăn gồm 95 câu hỏi để được vào học những trường trung học công xuất sắc nhất New York. Không ai ngạc nhiên nếu sinh viên châu Á – chiếm 14% sinh viên trường công của thành phố này – lại một lần nữa giành được hầu hết số ghế và nếu sinh viên da đen và gốc Tây Ban Nha chỉ là thiểu số. Năm học trước, trong số 14.415 sinh viên đăng ký vào 8 trường trung học đòi hỏi một bài kiểm tra đầu vào, có 8.549 sinh viên là người Châu Á.
Do sự chênh lệch này mà một số trường bắt đầu kêu gọi chấm dứt quy định sử dụng bài thi như một cơ sở duy nhất để tuyển sinh vào các trường. Tháng trước, các nhóm dân quyền đã nộp đơn khiếu nại với chính quyền liên bang, phản đối chính sách phân biệt đối xử với sinh viên. Nhiều người trong số đó là người da đen và gốc Tây Ban Nha – những người không thể chi trả cho việc thuê gia sư. Gia đình Shi – cũng giống như nhiều gia đình châu Á khác – những người đã nói về kỳ thi này trong các cuộc phỏng vấn hồi tháng trước – đã không phủ nhận sự chuẩn bị cho kỳ thi phổ biến này. Ngược lại, dường như họ còn nói về những nỗ lực của mình bằng sự tự hào.
Họ cũng cho biết rất bối rối khi phải bảo vệ một quá trình mà họ xem là một bước đệm sống còn cho những người nhập cư. Và một số người coi những lời chỉ trích về kỳ thi này như sự tấn công nền văn hóa của họ, như một sự khó chịu về việc người châu Á đang xuất hiện ngày càng đông ở các trường trung học và đại học danh giá mà người Mỹ đổ tiền vào. “”Bạn là người châu Á, chắc chắn bạn rất thông minh”. Bạn không biết được đó là một lời khen hay một sự xúc phạm” – Jan Michael Vicencio, một người nhập cư tới từ Manila, hiện đang là học sinh Trường Trung học Brooklyn Tech (một trong 8 trường áp dụng thi đầu vào) nói.
Họ đi theo những hệ thống đạo đức, triết lý và tôn giáo cổ xưa như Nho giáo – một loạt những nguyên tắc luân lý coi trọng học hành và sự kính trọng người lớn tuổi, cũng như việc bác bỏ triết lý nuôi dưỡng trẻ em phổ biến ở Mỹ – triết lý nhấn mạnh vào sự tự tin và hạnh phúc. Một số học sinh nói rằng bố mẹ không ngại dùng roi vọt để thúc giục họ. Và những bài kiểm tra nghiêm ngặt là một thực tế được chấp nhận ở đất nước họ, trong đó những kỳ thi được xem là thước đo của sự cần cù, chăm chỉ, chứ không phải là trí thông minh.
“Hầu hết các bậc cha mẹ đều không tin vào ‘năng khiếu'” – Riyan Iqbal, 15 tuổi, con trai của những người nhập cư từ Bangladeshi chia sẻ khi cậu và những người bạn tới từ Bengali, Hàn Quốc, Ấn Độ đang đi lang thang từ Trường Trung học Khoa học Bronx về phía tàu điện ngầm vào một buổi chiều gần đây. “Tất cả đều là làm việc chăm chỉ”.
Họ nói, không đứa trẻ nào là không bị gây áp lực. Riyan – con trai của một lái xe taxi và một nhân viên thu ngân – và đám bạn cùng lớp kể rằng bố mẹ họ thường xuyên “nhồi nhét” vào đầu họ những câu chuyện cảm động về thời kỳ khó khăn mà các bậc phụ huynh đã phải trải qua ở quê nhà, từ việc đi chân đất đi học tới chuyện đói khát không đủ ăn do lũ lụt hay bất ổn chính trị. “Bạn phải cố gắng để bù đắp cho những gian khổ đó của bố mẹ” – Riyan nói.
Mùa hè sau khi kết thúc lớp 6, Riyan dành hầu hết thời gian ở “trường luyện thi” để ôn luyện những công thức khối lượng và diện tích bề mặt. Vào năm lớp 7, Riyan trở lại đây vào 2 ngày cuối tuần để đoán nghĩa các đoạn văn và đào xới những bài đọc. Lớp học này tiêu tốn của bố mẹ họ 200 USD/ tháng. “Tôi biết bố mẹ vẫn sẽ yêu tôi nếu tôi không vào được trường Bronx. Nhưng họ sẽ rất thất vọng” – ông nói.
Jerome Krase – giáo sư danh dự ngành Xã hội học tại ĐH Brooklyn, một trong những biên tập viên của tờ “Chủng tộc và Sắc tộc ở New York” – cho rằng người châu Á ngày càng tăng lên trong những năm gần đây đã trải qua nhiều nghịch cảnh ở quê nhà. “Bọn trẻ nắm giữ danh dự của cả gia đình. Nếu chúng thành công nghĩa là gia đình chúng thành công” – ông nói.
Khi các quan chức trường học bắt đầu thảo luận một cách cởi mở về việc thay đổi chính sách tuyển sinh hồi đầu những năm 70, thì các bậc phụ huynh da trắng đã thuyết phục cơ quan lập pháp thông qua một đạo luật thắt chặt kỳ thi này như một cơ sở duy nhất để nhập học các trường trung học chuyên ngành. Vào thời điểm đó, theo một bài viết trên New York Times năm 1971, Trường Trung học Stuyvesant hầu hết là học sinh da trắng, 10% da đen và 4% Puerto Rican và Tây Ban Nha, 6% châu Á.
Năm nay, tại Stuyvesant, 72% là học sinh châu Á, chưa đến 4% là học sinh da đen hoặc gốc Tây Ban Nha. Melissa Potter – phát ngôn viên của Qũy Giáo dục và Bảo vệ pháp lý NAACP, một trong những nhóm đưa đơn khiếu nại tới Bộ Giáo dục Mỹ hồi tháng 9, cho rằng mặc dù một số người nhập cư châu Á nghèo nhất thành phố này đã tìm ra cách để giành được suất ở những ngôi trường này, song nhiều người vẫn đang bị bỏ lại. Những người da đen và gốc Tây Ban Nha nghèo khó cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Họ không thể tham gia các lớp ôn thi tốn kém, mất nhiều thời gian và mệt mỏi để chuẩn bị cho kỳ thi. Đơn khiếu nại cho rằng những nhân tố khác như điểm trên lớp, nhận xét của giáo viên và trải nghiệm cá nhân cũng nên được xem là tiêu chí tuyển sinh.
Các quan chức giáo dục thành phố cũng như Thị trưởng Michael R. Bloomberg đã bác bỏ ý kiến nên xem xét lại quy định tuyển sinh bằng một kỳ thi. “Bạn vượt qua kỳ thi, bạn đạt được điểm số cao nhất, bạn được vào trường. Không liên quan gì tới chủng tộc hay điều kiện kinh tế của bạn” – Thị trưởng phát biểu hồi tháng trước. Thành phố bắt đầu cung cấp một chương trình ôn thi miễn phí cách đây vài năm dành cho học sinh da đen và gốc Tây Ban Nha, nhưng sau một thách thức về pháp lý, các nhóm dân tộc khác cũng được phép vào học. Hiện tại, 43% học sinh của chương trình này là người châu Á. Cách đây 3 năm, Ting Shi cũng là một trong số họ.
Việc đưa đơn khiếu nại đã làm dấy lên những tranh luận trong cộng đồng mạng. Một phụ huynh đã đề cập tới vấn đề “châu Á hóa” của các trường ưu tú, và một bài viết trên Urban Baby than phiền rằng “trẻ châu Á chiếm tất cả chỗ ngồi vì họ chuẩn bị quá nhiều”. Chỉ trích sự thành công của người châu Á trong kỳ thi này “giống như một cơ chế phòng vệ” – Faria Kabir, học sinh năm 2 tại Brooklyn Tech, nhập cư từ Bangladesh từ năm 6 tuổi, nhận định. “Nó giống như ai đó đang đổ lỗi cho bạn về việc mà bạn không thực sự có lỗi”. Ngoài vấn đề về chủng tộc, những người ủng hộ chính sách tuyển sinh cởi mở hơn nói rằng việc phụ thuộc vào một bài kiểm tra đầu vào sẽ sinh ra một ngành công nghiệp dạy thêm, bóp méo khái niệm về một học sinh giỏi.
Sharon Chambers, bà chủ một phòng tập karate ở Queens, có con trai Kyle sẽ tham dự kỳ thi vào hôm thứ Bảy nói rằng học sinh nên chứng minh khả năng của mình một cách toàn diện – theo cách mà có thể không tốn kém quá nhiều. “Một bài thi như thế này không phải là dấu hiệu đầy đủ cho thấy tiềm năng của một đứa trẻ” – bà Chambers, một phụ nữ da đen nói. “Bạn không cần phải chuẩn bị cho thi cử từ tuần này sang tuần khác để vào được một trường tốt” – Melissa Santana, một thư ký có con gái đang chuẩn bị cho kỳ thi năm nay nhận xét. “Chuyện đó thật là cực đoan”.
Tuy vậy, một cư dân Bensonhurst gốc Trung Quốc, di cư từ Campuchia không hoàn toàn đồng ý với điều này. Mùa thu năm nay, con gái chị – Kassidi đã dành các buổi chiều thứ Ba và cả ngày thứ Bảy ở Chương trình Horizon – một chương trình dạy thêm gần nhà, ôn tập suốt 3 năm qua. Kassidi cũng tham gia một lớp ôn thi vào ngày Chủ nhật.
Tuy nhiên, bà Cheng – giám đốc một công ty nhập khẩu giày dép – thì cho rằng việc hướng dẫn con gái bà vượt qua giai đoạn đã tiêu tốn khoảng 2.000 USD này thật mờ nhạt so với những gì mà bà đã trải qua khi còn nhỏ. Bố và 4 anh trai bà đã chết vì đói trong chiến tranh dân sự Campuchia. Và một lần nữa ở đây, bà lại chứng kiến mẹ mình đã vất vả như thế nào trong một nhà máy may mặc. “Đó là một nhiệm vụ quá dễ” – bà Cheng nói.
Nguyễn Thảo (Theo New York Times)
Leave a Reply