2012 – năm”đen đủi” của phố Wall
Hãng tin tài chính Bloomberg cho biết, cổ phiếu của 81 công ty tài chính thuộc chỉ số Standard & Poor’s 500 Financial Index đã tăng 27% trong năm nay, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2003, dẫn đầu là mức tăng 104% của cổ phiếu ngân hàng Bank of America. Mong mỏi lợi nhuận tăng của các cổ đông đã được đền đáp khi các ngân hàng Phố Wall sa thải và cắt giảm thu nhập của nhân viên, đồng thời rút lui khỏi nhiều mảng kinh doanh không chủ chốt. Trong khi đó, giới nhân viên bất an khi chứng kiến sếp tổng của hai nhà băng lớn nhất mất việc, những sếp còn tại vị thì đối mặt với sự co cụm của hoạt động giao dịch cổ phiếu và môi giới, các quy định giám sát ngặt nghèo hơn, các khoản thua lỗ, bị cắt giảm điểm tín nhiệm, rồi thì các vụ bê bối liên quan tới thao túng lãi suất và rửa tiền.
Trong suốt khoảng thời gian từ năm 2004-2008, thù lao cho nhân viên tại Phố Wall tăng trưởng nhanh hơn doanh thu. Nhưng giờ đây, mọi chuyện đã khác. Các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ đang ưu tiên lợi ích của các nhà đầu tư hơn là nhân viên. Số liệu do Bloomberg tổng hợp cho thấy, trong 9 tháng đầu năm nay, 9 ngân hàng gồm Deutsche Bank, Barclays, JPMorgan Chase, Bank of America, Citigroup, UBS, Credit Suisse, Goldman Sachs và Morgan Stanley đã công bố sa thải tổng cộng 30.000 nhân viên. Bên cạnh đó, tổng mức thù lao của các nhà giao dịch và nhân viên làm trong mảng ngân hàng đầu tư của các nhà băng này năm nay chỉ bằng khoảng một nửa mức của năm 2007. Đây là số liệu được đưa ra bởi Options Group, một công ty tuyển dụng đặt tại New York.
Trong quý 2, Goldman Sachs đã cắt giảm nhân viên và tăng cổ tức trả cho cổ đông. Đây là lần đầu tiên Goldman Sachs làm cùng một lúc cả hai việc này. Morgan Stanley có khả năng sẽ cắt giảm chi phí trả lương thưởng, cho dù giá cổ phiếu tăng, điều chưa từng xảy ra đồng thời ở ngân hàng này trong ít nhất 15 năm. Các nhà đầu tư đã hưởng ứng tích cực trước những động thái cải tổ đầy tham vọng của các ngân hàng lớn. Giá cổ phiếu của Citigroup, ngân hàng lớn thứ ba nước Mỹ về giá trị tài sản, đã tăng 4,8% trong hai ngày sau khi Hội đồng quản trị sa thải Giám đốc điều hành (CEO) Vikram Pandit. Trước đó, cổ đông đã bỏ phiếu phủ quyết gói thù lao dành cho CEO này. Cổ phiếu Citigroup tăng giá thêm 6,3% nữa sau khi CEO mới Michael Corbat tuyên bố cắt giảm 11.000 việc làm.
Tương tự, sau khi ngân hàng Thụy Sỹ UBS tuyên bố sẽ cắt bỏ hầu hết mảng kinh doanh trái phiếu và giảm khoảng 10.000 việc làm, giá cổ phiếu ngân hàng này tăng vượt giá trị sổ sách lần đầu tiên trong 15 tháng. Với mục tiêu tăng lợi nhuận cho cổ đông, Goldman Sachs đã cắt giảm khoảng 2.800 việc làm và giảm thù lao nhân viên 16% trong 2 năm qua. Nếu như trong tài khóa 2007, CEO Lloyd C. Blankfein của Goldman Sachs hưởng mức thưởng kỷ lục 67,9 triệu USD, thì tổng mức thù lao mà CEO này nhận được cho cả tài khóa 2011 chỉ là 12,4 triệu USD. Năm nay cũng là năm mà Phố Wall chứng kiến những khoản thua lỗ kỷ lục trong hoạt động giao dịch và những án phạt chưa từng có tiền lệ.
Cách đây ít lâu, ngân hàng lớn nhất châu Âu về giá trị vốn hóa thị trường HSBC đã chấp nhận trả khoản tiền phạt kỷ lục 1,92 tỷ USD để chấm dứt điều tra của các nhà chức trách Mỹ nhằm vào hoạt động bị cho là rửa tiền của ngân hàng này. Trước đó, HSBC bị cáo buộc có các giao dịch rửa tiền cho các tổ chức khủng bố và buôn lậu ma túy. Ngân hàng Standard Chartered cũng chấp nhận nộp phạt 667 triệu USD cho nhà chức trách Mỹ vì bị cáo buộc thực hiện giao dịch chuyển tiền cho Iran, vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với quốc gia này. Vào hôm 20/11, Kweku Adoboli, một cựu giao dịch của ngân hàng lớn nhất Thụy Sỹ UBS, lĩnh án 7 năm tù giam vì hành vi gian lận liên quan tới khoản thua lỗ 2,3 tỷ USD trong các vụ giao dịch bất hợp pháp tại nhà băng này. Nhà chức trách Anh sau đó đã phạt UBS số tiền 48,3 triệu USD với lý do khoản thua lỗ khổng lồ trên đã làm lộ ra những yếu kém trong hệ thống quản lý và kiểm soát nội bộ.
Tiếp đó, UBS vừa phải nộp phạt khoảng 1,5 tỷ USD cho các nhà chức trách Mỹ, Anh và Thụy Sỹ vì hành vi thao túng lãi suất liên ngân hàng trên thị trường London, hay còn gọi là lãi suất Libor. Số tiền này lớn gấp 3 lần số tiền mà ngân hàng Barclays chấp nhận nộp phạt hồi tháng 6 cũng vì hành vi thao túng lãi suất Libor. Hàng chục ngân hàng khác đang tiếp tục bị điều tra vì hành vi tương tự. Án phạt vì thao túng lãi suất dành cho Barclays đã khiến CEO Robert Diamond của nhà băng này phải từ chức sau 16 năm tại vị tại ngân hàng lớn thứ nhì Anh quốc về giá trị tài sản này. Tại JPMorgan Chase, khoản thua lỗ trong hoạt động giao dịch lên tới ít nhất 6,2 tỷ USD đã bị phanh phui trong năm nay, khiến CEO Jamie Dimon phải cất lời xin lỗi.
Động thái xin lỗi của Dimon gây chú ý, bởi ông là sếp tổng của ngân hàng cho vay lớn nhất và có lợi nhuận cao nhất ở Mỹ, ông là sếp được trả cao nhất ở Phố Wall, với khoản thù lao 23 triệu USD trong năm 2011. Ngoài ra, ông còn là một trong những nhân vật “cứng đầu” nhất trong vấn đề bảo vệ Phố Wall, chống lại áp lực từ các chính trị gia và cơ quan chức năng của Mỹ. Dimon đã từng công khai chỉ trích Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Timothy Geithner, thách thức Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke, và phê phán cựu Chủ tịch FED paul Volcker.
“Chúng tôi đã khiến nhiều người phải thất vọng, và chúng tôi xin lỗi vì điều đó”, Dimon nói trong một phiên điều trần trước Ủy ban Ngân hàng thuộc Thượng viện Mỹ hồi tháng 6. Kể từ khi khoản thua lỗ trên bị lộ ra hồi tháng 5, đã có ít nhất 4 lãnh đạo cao cấp của JPMorgan Chase từ chức hoặc bị điều chuyển công tác. Tháng trước, CEO Morgan Stanley, ông James Gorman, nói rằng, những vụ gian lận trong giao dịch đã khiến ngành tài chính khó cải thiện được uy tín. Đồng thời, ông cũng nói rằng, các nhân viên ngân hàng nên thôi phàn nàn về mức thu nhập bị giảm. “Chẳng mấy ai tỏ ra cảm thông với chúng ta đâu. Cả xã hội đang trong lúc khó khăn, với mức xuất phát điểm thấp hơn”, ông Gorman phát biểu hôm 29/11 tại một hội nghị của Hiệp hội Chứng khoán và tài chính Mỹ tại New York.
Việc Phố Wall không được lòng dân chúng Mỹ đã thể hiện rõ trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay. Phố Wall đã tài trợ những khoản tiền lớn cho chiến dịch tranh cử của ứng cử viên Mitt Romney, cuối cùng chỉ để chứng kiến Tổng thống Barack Obama tái đắc cử.
An Huy/ Vn Economy
Leave a Reply