Y tá đang trở thành nghề “hot” ở Mỹ
Sự khan hiếm y tá ở Mỹ
Hoa Kỳ hiện thiếu rất nhiều lao động có kỹ năng (skilled labourer), trong đó có y tá. Nước Mỹ hiện có khoảng 100.000 vị trí y tá còn trống. Con số đó dự kiến tăng lên 434.000 vào năm 2020.Đến nỗi, một số bệnh viện đã đưa ra chính sách chiêu mộ y tá bằng cách “thưởng nóng” một khoản tiền 14.000 đến 30.000 USD ngay cho bất cứ y tá có kinh nghiệm nào tình nguyện đầu quân vào bệnh viện của họ. Sự thiếu hụt y tá ngày thêm trầm trọng và buộc các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh ở Mỹ phải thuê mướn nhân viên nước ngoài. Đầu năm 2006, chính quyền Mỹ đã tu chính Luật Di trú, tháo bỏ giới hạn số y tá nước ngoài mà các bệnh viện Mỹ có thể thuê mướn, mở ra nhiều cơ hội để y tá các nước có thể đến hành nghề ở Mỹ…
Trong chuyến đi xuyên bang bằng đường bộ đến các tiểu bang miền Tây và Trung Tây Hoa Kỳ, chúng tôi có dịp tiếp xúc với nhiều người gốc Việt đủ mọi ngành nghề. Chị N.T.H, một cựu y tá Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM nay đang định cư ở California cho biết, chị theo chồng qua đây năm 1993. Qua Mỹ, chị lại theo đuổi nghề y tá. Đến khi tốt nghiệp và vượt qua kỳ thi của State Board năm 1999 cũng là lúc rất nhiều bệnh viện ở California thiếu y tá trầm trọng.
Chị nói: “Công việc của y tá ngày một quan trọng và hầu như làm hết mọi việc. Trong ngành y hiện nay ở Mỹ, các bác sĩ chỉ làm những việc quan trọng, còn hầu như họ “giao khoán” hết cho y tá”. Tôi hỏi về mức thu nhập, chị H. cho biết khoảng trên 70.000 USD/năm cộng với tiền làm thêm ở một cơ sở chữa trị gần bệnh viện của chị nữa là gần 100.000 USD/năm. Kể chuyện về cậu con trai, chị H. cho hay lúc vào đại học thì anh này theo chuyên ngành quản trị doanh nghiệp, ra trường qua Atlanta, bang Georgia làm việc với mức lương gần 30.000 USD/năm. Nhưng vào năm 2003, nhân một chuyến về California, sau khi vào thăm mẹ trong bệnh viện, anh này đã bỏ hết công việc, trở lại California và ghi danh học nghề y tá, nay đang học năm thứ hai.
Chúng tôi cũng gặp nhiều người Việt ở Salt Lake City, Los Angeles… tuy đã lớn tuổi, nhưng cũng cố gắng theo học đại học, một số theo học các lớp y tá 2 năm và rất dễ kiếm việc làm. Nhìn chung, tùy theo từng tiểu bang, tùy theo kinh nghiệm nghề nghiệp và bằng cấp (y tá 2 năm, 4 năm hoặc cao học), mức lương dao động từ khoảng 35.000 đến 80.000 USD/năm (không kể làm thêm giờ).
Kỳ thi NCLEX
Tuy khan hiếm như thế, nhưng không phải bất cứ ai học xong và cầm trong tay mảnh bằng y tá là có thể hành nghề được. Nước Mỹ cần nhiều y tá mà họ gọi là Registered Nurse (RN) tạm dịch: Y tá được hành nghề (đã đăng ký), tức những người đã tốt nghiệp một trường đào tạo y tá và đã vượt qua kỳ thi của Hội đồng quốc gia phụ trách Thi cấp giấy phép hành nghề (NCLEX). Không vượt qua kỳ thi của NCLEX thì dù có bằng y tá trong tay cũng không được hành nghề. Kỳ thi của NCLEX cũng tương tự như các kỳ thi TOEFL (thi trắc nghiệm tiếng Anh) tổ chức khắp nơi trên thế giới nhưng theo một tiêu chuẩn chung.
Đầu năm 2006, chỉ có 3 nơi ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ được phép tổ chức thi NCLEX cho y tá là London (Anh), Seoul (Hàn Quốc) và Hồng Kông. Mới đây thêm 6 nước và vùng lãnh thổ: Canada, Mexico, Ấn Độ, Đức, Nhật và Đài Loan. Với y tá các nước, ngoài những nơi được tổ chức thi NCLEX nói trên, họ phải bay tới Hoa Kỳ để dự kỳ thi NCLEX tốn kém và còn phải vượt qua thủ tục nhập cảnh nước Mỹ.
Các công ty, tổ chức nào dự kiến xuất khẩu lao động Việt Nam qua Mỹ cần lưu ý đến những kỳ thi tương tự như NCLEX nói trên. Hầu hết những ngành nghề của Mỹ đều phải thi lấy chứng chỉ hành nghề rồi mới được làm việc.
Theo Lê Đình Bì – Thanhnien
Leave a Reply