Công nghệ rạp chiếu phim IMAX
1. IMAX là gì?
IMAX (viết tắt của Image MAXimum) là một chuẩn sản xuất và trình chiếu phim được phát minh bởi công ty IMAX – Canada. Mục tiêu đầu tiên của IMAX là tạo ra một chuẩn ghi hình và trình chiếu phim có độ phân giải cao hơn chuẩn phim thường được dùng trong ngành điện ảnh. Từ năm 2002, một số bộ phim cũng đã được upconvert thành định dạng IMAX để trình chiếu trong các rạp. Tính đến tháng 3 năm 2011 đã có tất cả 528 rạp chiếu phim IMAX tại 46 quốc gia khác nhau.
2. Trải nghiệm IMAX:
Ngay khi bước chân vào một rạp hát IMAX, bạn sẽ nhận thấy ngay sự khác biệt rõ ràng trong kích thước và không ít người lần đầu tiên đã phải thốt lên rằng “Ồ, một màn hình khổng lồ!”. Có hai loại rạp hát IMAX khác nhau, đó là:
Rạp IMAX thông thường (IMAX theater): một rạp chiếu phim IMAX thông thường cũng giống như các rạp hát mà bạn đã bắt gặp khác, màn hình chính là trung tâm của nó. Tuy nhiên, màn hình trong IMAX theater có kích thước rất lớn, chiều cao khoảng 16 mét, chiều rộng lên đến 22 mét và có thể lớn hơn. Màn hình IMAX lớn nhất hiện nay có chiều cao khoảng 30 mét. Quá khủng!
Rạp IMAX mái vòm (IMAX dome): loại rạp này có màn hình hình cầu, bao phủ toàn bộ rạp và đường kính của nó có thể lên tới 30 mét.
Cho dù bạn xem một bộ phim ở IMAX theater hay dome thì những hiệu ứng nó mang lại đều trên cả tuyệt vời. Màn hình đủ lớn để bạn có thể bước vào, đắm mình trong thế giới của nó và đặc biệt là cảm giác tuyệt vời ở các cảnh chuyển động, trong thực tế một số người đã bị ngất xỉu khi tham gia vào các chuyển động mạnh trong phim IMAX. Để có được những hình ảnh mịn màng trên màn hình khổng lồ, phim IMAX được quay và in trên một loại tấm phim đặc chủng, có kích thước rất bự. Hầu hết các bộ phim mà bạn xem trong các rạp hát đều được sản xuất ở định dạng 35-mm. Nó có hình dạng gần như là vuông do đó để chiếu lên các màn hình rộng trong rạp thì các hình ảnh phải được nén vào trong khung phim 35-mm. Một số bộ phim trong các rạp chiếu phim cũng sử dụng định dạng 70-mm. Định dạng này mang đến hình ảnh có độ phân giải cao gấp đôi và không bị nén vào như ở 35-mm.
Không giống như hai định dạng trên, tấm phim IMAX được gọi là 15/70 – mỗi hình ảnh có độ cao 70-mm và chiều rộng là 15 lỗ. Nói cách khác, kích thước của phim IMAX có độ lớn gấp 10 lần so với tiêu chuẩn 35-mm. Điều này mang đến những hình ảnh rõ ràng đến khó tin ngay cả trong các màn hình lớn nhất của hệ thống rạp IMAX. Kích thước của phim 15/70 cũng làm cho máy chiếu IMAX trở thành một thiết bị độc đáo và thú vị. Về cơ bản, một máy chiếu 35-mm có cách thức hoạt động như sau:
– Một đầu tấm phim sẽ được gắn vào máy chiếu.
– Hệ thống dây chuyền sẽ cố định và di chuyển lần lượt các tấm phim ra trước đèn chiếu.
– Màn trập mở ra và ánh sáng sẽ chiếu qua các tấm phim rồi qua ống kính sau đó tới màn chiếu.
Thời gian mở của màn trập diễn ra rất nhanh, chỉ một phần nhỏ của một giây
Các tấm phim IMAX có trọng lượng khá nặng và lớn khiến việc di chuyển, cố định nó dưới ống kính là rất khó. Do đó, hệ thống máy chiếu IMAX có thiết kế hoàn toàn khác biệt so với máy chiếu thông thường. Tất cả những công nghệ tiên tiến làm cho một chiếc máy chiếu IMAX nặng hơn 1,8 tấn, cao hơn 1,78 mét và dài 1,95 mét:
– Các tấm phim di chuyển qua theo chiều ngang chứ không phải là chiều dọc.
– Một hệ thống hút chân không sẽ hút các hình ảnh vào một tấm kính ở phía trước ống kính để cố định và làm phẳng nó.
– Màn trập mở ra lâu hơn so với máy chiếu thông thường để toàn bộ ánh sáng có thể lọt qua.
Bóng đèn xenon của máy chiếu có công suất là 15.000 watt và được làm mát bằng nước |
3. Các phát kiến của IMAX:
Kể từ khi ra mắt, nhập vai cùng IMAX luôn là mơ ước của các tín đồ phim ảnh. Một trong những thứ khiến nó trở nên hấp dẫn là những sáng kiến mới lạ như:
– Công nghệ màn chiếu mái vòm (Dome) cho phép hình ảnh có thể bao quanh tầm nhìn của người xem.
– Công nghệ 3D IMAX sử dụng cả kính phân cực và LCD màn trập để trình diễn các bộ phim 3 chiều sống động.
– 48 khung hình mỗi giây gấp đôi tỷ lệ khung hình tiêu chuẩn và gia tăng đáng kể chi tiết hình ảnh.
– Hệ thống âm thanh cao cấp IMAX sử dụng hệ thống âm thanh 6 kênh
và trong một số rạp còn cung cấp thêm cho người xem một bộ tai nghe 2 kênh đặc biệt.
– Digital Remastering IMAX DMR giúp chuyển đổi định dạng 35 mm sang kỹ thuật số với độ phân giải cao,
sau đó chiết xuất các hình ảnh để tạo ra hình thái nguyên thủy cho chúng.
Bằng cách kết hợp tất cả các tính năng tiên tiến này, rạp chiếu phim IMAX đã đã mang đến những trải nghiệm phim ảnh một cách trung thực và sống động nhất cho người xem.
4. Làm một bộ phim IMAX:
Xem một bộ phim IMAX là một trải nghiệm tuyệt vời, nhưng tìm hiểu quá trình sản xuất có khi còn tuyệt vời hơn. Có nhiều lý do khiến việc sản xuất phim IMAX phức tạp hơn so với phim thông thường. Để tìm hiểu quá trình này, chúng ta cùng gặp Michael Lewis của hãng L-Squared Entertainment, công ty đã sản xuất phim “T-REX: Back to the Cretaceous” và “Siegfried and Roy: The Magic Box” , hai bộ phim IMAX 3D phổ biến. Cả hai bộ phim này đều được sản xuất không chỉ dựa trên chuẩn tấm phim 15/70 mà nó còn được trang bị thêm 3D và các hiệu ứng đặc biệt do máy tính tạo ra.
Một chiếc máy quay phim IMAX |
Bởi vì kích thước màn hình và những chi tiết đáng kinh ngạc của hình ảnh nên những hiệu ứng tạo ra phải thực sự hoàn hảo khi đưa vào rạp IMAX. Ví dụ, những con khủng long trong phim “T-REX” có độ chi tiết gấp 5 lần so với những con khủng long trong phim “Công viên kỷ Jura”. Điều này có nghĩa là phải cần một chiếc máy tính có sức mạnh lớn hơn gấp 5 lần cũng như một không gian lưu trữ lớn hơn 5 lần. Theo Lewis, một trong những thách thức lớn nhất khi thực hiện bất kỳ một bộ phim IMAX nào đó là kích thước hình ảnh. 3 vấn đề ảnh hưởng kích thước hình ảnh mà các đạo diễn cần lưu ý đó là:
1). Chiếc máy quay rất lớn. Nặng khoảng 109 kg, vì vậy nó đòi hỏi sự hỗ trợ đặc biệt và các kỹ năng để di chuyển. 2). Một máy qua phim 35mm thông thường chỉ nặng khoảng 18kg. Kích thước của cuộn phim khiến nó cuộn hết chỉ trong vòng 3 phút và phải mất đến 20 phút để nạp lại. 3). Độ chi tiết phi thường và kích thước phim lớn có nghĩa là mọi việc về công đoạn quay phim phải hoàn hảo, một hình ảnh bị nhòe hoàn toàn có thể làm xấu môi trường IMAX danh tiếng.
Lewis cũng cho biết, “chi phí và sự phức tạp của các công đoạn sản xuất phim IMAX lớn hơn so với thông thường. Chỉ có hai chiếc máy quay 3-D hiện có trên thế giới, vì vậy nếu gặp phải sự cố, nhà sản xuất đang phải đối mặt với khoản tiền 100.000USD mỗi ngày”. Chiếc camera này cũng rất ồn ào, tiếng ồn của nó tương tự như một chiếc cưa máy đang chạy. Do đó các diễn viên và cả đoàn làm phim đều bị ảnh hưởng. Trong bộ phim “Siegfried and Roy”, một số con vật đã phản ứng lại tiếng ồn. Việc thu âm sau đó cũng được thực hiện lại do tiếng ồn của camera.Những thách thức về phần kỹ thuật khiến một bộ phim IMAX thường chỉ có 40 đến 50 phút, thời gian sản xuất cũng nhiều hơn so với một bộ phim bình thường. Ví dụ, bộ phim “T-REX” cần 5 tháng để nghiên cứu các phương án để quay, 40 ngày để quay phim và sau đó là 12 đến 13 tháng để hoàn thành bộ phim. Các hiệu ứng trong phim cần dung lượng khoảng 4 terabyte để lưu trữ.
Một bộ phim IMAX điển hình cần kinh phí từ 3 đến 8 triệu đô cho phiên bản 2D và 8 đến 15 triệu đô cho phiên bản 3D
Leave a Reply