6 bài học quý giá từ các tổng thống Mỹ
Bài học thứ nhất: Chế ngự nỗi sợ hãi
“Điều duy nhất mà chúng ta phải sợ chính là nỗi sợ” – Franklin D. Roosevelt đã phát biểu như vậy trong buổi lễ nhậm chức của ông năm 1933 – thời điểm cuộc đại suy thoái kinh tế Mỹ đang ở giai đoạn cao trào. Để chứng minh rằng việc chế ngự nỗi sợ hãi là hành động đúng đắn trong mọi trường hợp, Franklin D. Roosevelt đã có những nước cờ đầy mạo hiểm nhưng rất tỉnh táo để kéo nước Mỹ thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế cũng như củng cố thêm sức mạnh quân sự của Mỹ trong thời chiến. Vì vậy, mỗi khi đương đầu với nỗi sợ, bạn hãy tự nói với bản thân: Đây chính là yếu tố kìm giữ bạn trên con đường thăng tiến, hãy vượt qua và can đảm bắt tay vào việc hiện thực hóa những mong muốn của mình – sẽ không bao giờ là thất bại cho đến khi bạn quyết định từ bỏ.
Bài học thứ hai: Thức thời
“Chúng ta đang ở trong hoàn cảnh mới nên chúng ta phải nghĩ khác và làm khác” – câu nói này là một minh chứng hùng hồn cho khả năng phân tích và nhận biết thời cuộc của Abraham Lincoln – một trong những vị tổng thống vĩ đại nhất của nước Mỹ. Để chứng minh nhận định: “Chế độ nô lệ sẽ thất bại và cáo chung, tương lai của nền dân chủ sẽ được bảo đảm, và chính quyền của dân, do dân, vì dân sẽ không lụi tàn khỏi mặt đất” ngoài Bản Tuyên ngôn Giải phóng Nô lệ, Abraham Lincoln còn là vị Tổng thống đầu tiên thông qua lệnh cầm tù không qua xét xử những người bị nghi là ủng hộ phe Liên minh trong cuộc nội chiến Mỹ. Vượt qua nhiều tranh cãi, Lincoln đã góp phần đưa nước Mỹ thành một cường quốc dân chủ phát triển hàng đầu thế giới như hiện nay. Vậy, nếu bạn có óc quan sát nhạy bén và khả năng thích ứng cao thì đừng bao giờ tự “cột” mình vào một công việc nhàm chán bạn nhé!
Bài học thứ ba: Giữ đôi tay “sạch sẽ”
Mặc dù bị phản đối từ cả hai phía Mỹ và Việt Nam trong cuộc chiến tranh Việt Nam, nhưng cuộc đời chính trị của Tổng thống Richard Nixon cũng cho chúng ta một bài học về sự trong sạch: “Hãy giữ mình trong sạch nếu không muốn dính dáng vào các vụ bê bối và nhanh chóng bị hạ bệ hoặc bị kẻ khác chơi xấu”. Những việc làm sai trái không sớm thì muộn cũng sẽ bị lôi ra ánh sáng. Do đó, nếu bạn không muốn phá hỏng tiền đồ của mình, hãy cư xử đúng mực và minh bạch trong mọi việc làm.
Bài học thứ tư: Cảnh giác với tình yêu công sở
Hẳn bạn còn nhớ cuộc tình đầy tai tiếng của Tổng thống Bill Clinton và Monica Lewinsky. Sau khi vụ bê bối này bị phơi bày trên các phương tiện thông tin đại chúng, vị tổng thống được lòng dân Mỹ nhất đã phải “cuống cuồng” bảo vệ không chỉ danh tiếng, hạnh phúc gia đình mà cả chiếc ghế tổng thống đang lung lay. Nhiều người vẫn thường nói, Bill Clinton sẽ thất bại bởi chính vụ bê bối này nếu không có sự hẫu thuẫn vững chắc của vợ mình – cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Bạn có thể sẽ nói vì mình không nổi tiếng như Bill Clinton nên không cần lo lắng về bài học này. Nhưng bạn thân mến, tiền đồ của mỗi người dù là Tổng thống hay Nhân viên công sở cũng đều quan trọng như nhau, đừng bao giờ mạo hiểm “ăn vụng” nơi công sở để rồi bị tiêu tan cả hạnh phúc gia đình lẫn sự nghiệp bạn đã nhọc công gầy dựng lâu nay.
Bài học thứ năm: Học hỏi từ những sai lầm
Sau lễ nhậm chức, Tổng thống John F. Kennedy đã ngay lập tức phê chuẩn việc phát động chiến tranh xâm lược Cuba để lật đổ Fidel Castro. Cuộc xâm lược này sau đó thất bại thảm hại và chính quyền Kennedy rơi vào thế bế tắc. Thay vì câm lặng và để cho điều sỉ nhục này làm tiêu tan sự nghiệp chính trị của mình, Kennedy đã lên tiếng nhận trách nhiệm và người Mỹ tôn trọng ông vì điều đó. Cho đến nay, Kennedy vẫn là một trong những Tổng thống được mến mộ nhất nước Mỹ.
Trong công việc hàng ngày, không thiếu những lúc chúng ta mắc phải sai lầm dẫn đến thất bại. Nhưng đừng im lặng bi quan và tuyệt đối tránh tìm cách đổ lỗi cho người khác. Hãy dũng cảm nhận trách nhiệm để đưa ra giải pháp khắc phục, với cách làm này bạn sẽ khiến các đồng nghiệp nể phục và được cấp trên ghi nhận. Hơn nữa, bài học kinh nghiệm bạn rút ra từ những thất bại trên cũng sẽ là “vốn” kiến thức đáng giá cho sự nghiệp của bạn.
Bài học thứ sáu: Nổi bật trong đám đông
Các Tổng thống Mỹ như Chester Arthur, John Tyler và James Polk thường bị liệt vào danh sách “những Tổng thống bị lãng quên” do họ quá mờ nhạt trong thời gian nhậm chức. Ngược lại, gần như cả thế giới đều biết đến những cái tên như George Washington, Abraham Lincoln hay Franklin D. Roosevelt, họ không chỉ còn mãi trong ký ức nhân dân Mỹ mà còn là những nhân vật lịch sử bất diệt. Vậy, điều gì khiến họ được ghi nhớ hơn những người khác? Câu trả lời rõ ràng là do họ không ngại bày tỏ quan điểm của riêng mình, không ngại thay đổi. Họ nỗ lực để xây dựng một hình ảnh riêng và cống hiến không ngừng để để lại dấu ấn trong vài năm đương nhiệm ngắn ngủi.
Vậy còn bạn, bạn nhút nhát và không chịu lên tiếng? Bạn ẩn mình trong các cuộc họp? Bạn ngại đưa ra ý kiến vì sợ sai? Bạn sợ va chạm với đồng nghiệp? Bạn luôn hài lòng với vị trí hiện tại của mình? Nếu câu trả lời là đúng cho phần lớn các hỏi trên, bạn đang tự đưa mình vào danh sách “những nhân viên bị lãng quên” rồi đấy!
Leave a Reply