Bút ký : Nhật ký Grand Canyon
Tôi, một cô sinh viên năm nhất, không người thân ở Mỹ, cũng chưa từng mơ du học ở quốc gia có học phí đắt đỏ bậc nhất thế giới này. Thế nhưng một ngày… Đơn giản một ngày, tôi tham gia chương trình “Work and Travel” tổ chức tại Hà Nội và sau cuộc phỏng vấn với đại diện của Công viên quốc gia Grand Canyon, tôi được nhận một chân phụ bếp. Bảo lưu kết quả học tập, tôi bước vào một hành trình đáng nhớ kéo dài 3 tháng tại Mỹ!
Làm salad? Tôi đã thành chuyên gia!
Không mấy khó khăn vượt qua vòng phỏng vấn, tôi được chọn làm phụ bếp – “chuyên trách” salad cho hai nhà hàng Bright Angel và Arizona Room thuộc Công viên quốc gia Grand Canyon.Cũng từ “đặc thù công việc” ấy mà tôi có biệt danh “salad-master” (tạm dịch: bậc thầy salad). Thú thật, hồi ở nhà tôi chẳng bao giờ phải vào bếp. Cơm nước có mẹ lo, đến rửa bát cũng không phải đụng tay đụng chân đến. Thế mà đằng đẵng cả một mùa Hè, bếp lại là nơi tôi lăn xả vào nhiều nhất, 8 tiếng một ngày, có khi hơn. Công việc không phức tạp, chỉ cần được chỉ bảo một lần và làm dần là quen tay. Với Bright Angel, tôi phải có mặt và quẹt thẻ nhân viên vào máy tính công vào đúng năm giờ sáng và ra về lúc một giờ trưa, không có giờ nghỉ. Nếu được xếp lịch làm ở Arizona Room thì khác, tôi có thời gian ngủ nhiều hơn mỗi ngày vì tám giờ sáng mới bắt đầu công việc.
Ở trong bếp, mỗi người đều có một khu vực riêng. Người lo làm súp, người quản lý phần bánh kẹp thịt, có người khác lại phụ trách bánh sandwich và mỳ Ý. Tôi đứng “riêng một góc trời” của salad. Ngày làm việc mới của tôi bắt đầu với việc lấy giỏ hàng, các dụng cụ làm bếp, bát đĩa đựng đồ… và đi vào các nhà lạnh để lấy nguyên liệu. Vất vả nhất ở khâu này là cái lạnh run người mỗi lần đi lấy đồ. Hãy tưởng tượng bạn phải bước vào nhà lạnh dưới 0 độ C để với lấy năm hộp bánh ga-tô các vị, giữa muôn vàn loại thực phẩm đang nằm trên những giá đựng cao tít vượt đầu người, trên sàn nhà đóng băng trơn tuồn tuột – đó là một trong những công việc hằng ngày của tôi. Rồi vào các nhà lạnh khác để lấy vài thùng rau, chục loại củ quả, từ cà chua, chanh leo, dưa chuột,… đến cả kem vani, sôcôla, bạc hà…
Tiếp đó, tôi phải “sơ chế” các nguyên liệu đã có. Thái dưa chuột, nhặt rau cho thành vốc nhỏ, cắt bánh, bóc vỏ hành tây rồi thái ra thành hình vòng bằng máy (thường làm tôi “khóc nhè” và hay nhận được lời “động viên” của các bác đầu bếp xung quanh: “Big girl don’t cry!” (tạm dịch: Cô gái lớn rồi thì không khóc nữa)… Tất cả phải hoàn thành trước mười một giờ trưa. Đến “deadline” ấy là tôi phải sẵn sàng tinh thần cho những vé “đặt hàng” của người phục vụ. Trước mặt tôi có một chiếc máy và mỗi lần vé chạy ra, ghi yêu cầu món gì là cần nhanh chóng “hành động” để có đĩa salad ngon nhất, trình bày đẹp và còn lạnh. Để giữ được nhiệt độ cho nguyên liệu, tôi còn phải chuẩn bị hẳn một thùng đá và đổ muối lên bề mặt để giữ thức ăn được tươi mới trong bốn tiếng đồng hồ.
Cứ thế cho đến hết giờ làm việc, khi nhà hàng đóng cửa để chuẩn bị cho giờ phục vụ bữa tối, thì tôi thu dọn lại “bãi chiến trường”, rửa tay sạch sẽ, bỏ mũ đầu bếp, chào tạm biệt mọi người và phấn khởi về nghỉ ngơi, sẵn sàng cho một ngày “chiến đấu” tiếp theo.
Không xe máy thì đi bộ
Hơn ba tháng ở Grand Canyon hẳn là một trong những quãng thời gian thảnh thơi và yên bình nhất trong 18 năm cuộc đời của tôi. Ngày ở Hà Nội, không hôm nào tôi không lê la đường phố, bận rộn cho hết việc học này, cộng tác nọ, đến những cuộc hẹn ăn uống với bạn bè nối nhau như không bao giờ dứt. Đường phố bận rộn, đông đúc, chật chội, không khí ô nhiễm,… tất cả như luôn hối thúc vào hai mươi tư tiếng ngắn ngủi.
Nhưng ở Grand Canyon đã không còn xe máy, chẳng có “bar pub”, cũng không còn những giờ học nặng nề trên lớp, tôi kết bạn với… hươu nai, rừng thông, với những bữa BBQ và thư viện cộng đồng. Ở rừng quốc gia của Mỹ, họ để muông thú chạy nhảy tự do, du khách đến thăm cũng không được chạm vào hay xâm hại chúng. Bởi thế mà những con nai sừng tấm (tên tiếng Anh là “elk”), hươu nai, sóc chuột cứ sống tự nhiên trong môi trường hoang dã, như chính xứ sở của mình. Khu tôi ở là một cánh rừng, được bao phủ bởi rừng thông cao ngút ngàn. Khi rảnh rỗi, chỉ cần cắm tai nghe và đi bộ từng bước chậm rãi trong rừng cũng đủ để tôi cảm thấy cuộc sống thật tuyệt vời, trong cái thanh bình của riêng nơi tự nhiên bao bọc ấy. Nhưng thú vị hơn cả, có những người đã ở đây suốt đời từ lúc sinh ra, chưa hề đặt chân xuống thành phố nhộn nhịp. Ở đây, họ có cả trường học, bệnh viện, ngân hàng, siêu thị, dù nhỏ nhưng cũng đủ để làm nên một cuộc sống tốt.
Ngay từ ký túc xá tôi ở, chỉ cần đi bộ mười phút là đến một thư viện cộng đồng. Chỉ cần đóng 15 đôla và được hoàn trả khi đi về, tôi có thể thuê 5 cuốn truyện và 3 DVD cùng một lúc. Từ truyện cổ tích, đến atlas thế giới, sách nhiếp ảnh, lịch sử nhân loại… đều có. Cũng nhờ thế mà ngày về, kiến thức tôi thu thập được cũng “dày” hơn hẳn. Nhân viên của công ty có riêng một khu giải trí riêng. Chúng tôi có thể đến dùng wifi, chơi bóng bàn, xem TV màn hình lớn miễn phí, có thể làm thẻ tập thể hình, chọc bi-a với giá 1đôla/ván, cuối tuần có đêm karaoke vui vẻ, ai cũng có thể đến, đăng ký bài và cất cao giọng hát, thậm chí nhảy múa tưng bừng. Tôi thường được giữ chức vụ “DJ” chuyên tìm và chỉnh nhạc, nhưng để khuấy động chương trình thì phải nhờ tới những người bạn Ecuador máu lửa cùng điệu Salsa. Chương trình bao giờ cũng kết thúc trong những tiếng cười ngập tràn.
Mấy anh bạn người miền Nam sống trong cabin thường rủ tôi đến và mở “tiệc” nướng. Chúng tôi soi đèn pin đi quanh nhà để nhặt củi, nhặt quả thông khô, dùng giấy và dầu hỏa để nhóm bếp nướng. Nào là ngô nướng rưới hành mỡ, cánh gà nướng, khoai tây ngọt, thịt bò viên ướp gia vị,… đều được chuẩn bị công phu và ra “thành phẩm” ngon tuyệt vời. Trời lạnh, ngồi quây quần bên bếp lửa và trò chuyện không dứt – là những giờ phút thật quý giá ở nơi đất khách quê người này. Có những ngày chúng tôi nhóm lửa đến ba giờ sáng, rồi lại lụi cụi đi làm lúc năm giờ. Vì tôi biết những giờ phút như thế, nếu không sống cho trọn vẹn, sẽ chẳng bao giờ có cơ hội quay lại.
Những người bạn thú vị
Mỗi mùa Hè, ở Grand Canyon tiếp nhận sinh viên quốc tế đến từ khắp mọi nơi: Thái Lan, Phillipines, Ecuador, Pháp, Ý, Trung Quốc, Đài Loan, Singapore,… cũng nhờ thế mà tôi tiếp xúc được với nhiều người, mở mang được nhiều điều. Những con người kỳ quặc, không ít. Những người bạn dễ thương, rất nhiều. Trong bếp làm cùng tôi có nhiều người bạn Thái. Họ dễ thương một cách kinh khủng, luôn tươi cười, thân thiện với tất cả mọi người. Ngày về, mỗi người tặng tôi một món quà nhỏ từ đất nước chùa tháp, với lời hứa hẹn chắc nịch: nếu có đến Thái Lan thì phải liên hệ để các bạn ấy đưa đi chơi, không được nuốt lời đâu đấy nhé! Người Thái thích nấu ăn những món đặc trưng của họ. Chẳng thế mà ở nơi xa xôi và thiếu thốn nguyên liệu thế này, bè bạn Thái sẵn sàng hy sinh nguyên cả ngày nghỉ để xuống thị trấn Flagstaff cách chỗ làm một tiếng rưỡi đi xe, để tìm cho được những thứ quả, loại tương họ cần.
Các bạn Trung Quốc (và cả Việt Nam) thì rất chăm chỉ làm việc. Bình thường một nhân viên sẽ làm việc năm ngày một tuần. Nhưng họ luôn đi tìm việc làm thêm (dọn phòng, quét dọn, rửa bát…) vào những ngày nghỉ. Có những người sau chỉ 4 tháng làm việc đã có thể dắt túi mang về 10.000 đôla. Phải “trả giá” vào đó là những ngày làm việc 14 tiếng, đến cả đêm khuya khoắt hai giờ sáng, ăn uống tiết kiệm một bát mì một bữa… Sinh viên châu Âu lại không ham kiếm tiền, với các bạn ấy đây là một cơ hội để đi du lịch. Họ đi lướt một loạt các thành phố, đi du lịch khắp các bang từ Tây sang Đông, và thử hết các trò mạo hiểm. Đi bộ đường dài “hiking”, đi trực thăng băng qua Grand Canyon, lái xe liền 6 tiếng xuống Las Vegas để chơi casino và mua sắm… Hiếm có cô bạn Pháp hay anh bạn Ý nào lại chỉ loanh quanh ở mỗi chỗ làm việc như sinh viên châu Á mình.
Dân Ecuador thì… khỏi nói! Những bữa tiệc tùng cả đêm, vũ điệu salsa và nền nhạc latino cháy bỏng được luân chuyển từ khắp cabin này sang cabin khác. Kiểm lâm (ranger) luôn đặt nhóm bạn Nam Mỹ này trong “danh sách đen”, vì những tiếng ồn ào phát ra trong rừng sau mười giờ tối là không được phép. Nhưng bằng một cách nào đó, họ vẫn “lách luật” và party cho đến tận những ngày cuối cùng. Cũng có những con người kỳ quặc. Từ dáng bộ ăn mặc lếch thếch, hay khép kín, chỉ lầm lì không giao tiếp với ai, thậm chí có người luôn phiền muộn. Cũng có những kẻ tìm mọi cách để tiếp cận con gái châu Á vốn mang tiếng là “dễ dụ” ở xứ này… Nhưng cũng có những con người dễ thương như “đồng nghiệp” trong bếp của tôi. Các bác đầu bếp to béo, cao lớn, luôn trêu nhau và cười giòn giã. Họ cũng sẽ vui vẻ dạy bạn cách làm món này món kia, và cũng chẳng ai nề hà giúp đỡ khi thấy một con bé Việt Nam đang chới với đỡ hộp bánh ga-tô giữa một rừng bánh trái trong nhà lạnh…
Rồi mười ba tuần cứ thế vèo trôi qua…. Ngày về, tôi không khỏi luyến tiếc. Cũng bởi ai nấy gặp đều nói với tôi “I’m gonnamiss you so much”… (tạm dịch: Tôi sẽ nhớ bạn rất nhiều). Và thực tế là, Grand Canyon, tôi cũng nhớ bạn rất nhiều!
Theo Cẩm Anh – Sinh Viên Việt Nam
Leave a Reply