Đôi điều về thủ đô Washington DC

Chưa đi Mỹ thì thấy nước này chẳng ra cái gì. Đi rồi cũng thấy nó chẳng ra cái gì nếu chỉ đến shopping mall hay ngồi trong hội thảo ngủ gật vì trái giờ. Nhưng ở lâu lâu hay đi lại nhiều lần cũng thấy Mỹ cũng có “cái gì” đó cho mình tìm hiểu. Chả thế mà cả thế giới đều mong đạt được “Giấc mơ Mỹ”. Chả nhẽ thiên hạ ngố cả hay sao phí tiền, phí công đến với ?

Đôi điều về Washington DC

Cảm giác ban đầu, thủ đô Mỹ bé tý. Cắt của Virginia (cô gái còn trinh) một ít, bên Maryland (miếng đất của nàng Mary) một ít, tạo thành cái hình vuông 10 miles x 10 miles (16km x 16km). Ở giữa có hai con sông Potomac và Anacosta chạy qua. Nhưng hiện nay phần Virginia có Arlington bị cắt về Virginia, nên DC là thủ đô từ vuông thành…méo. Được thành lập ngày 16-7-1790, DC hiện có khoảng 632 ngàn dân. Vào ngày làm việc có khoảng gần 1 triệu người đi từ Virginia và Maryland vào thủ đô làm việc.

635046134695081180 Đôi điều về thủ đô Washington DC
National Mall.


DC có một đại biểu ở Hạ viện (Quốc hội) nhưng không có quyền bầu (bù nhìn) và không có đại diện ở Thượng viện. 
Các tiểu bang khác có thể đưa ra luật riêng của mình nhưng riêng DC thì luật sở tại có thể bị Quốc hội liên bang xóa bỏ nếu thấy trái tai. Washington DC – District of Columbia tương đương với một tỉnh. Columbia là tên cúng cơm của nước Hoa Kỳ, mang tính sử thi, kiểu Lạc Việt, Âu Cơ bên ta. Columbia là tên của phái nữ, sau này thành biểu tượng Thần tự do của nước Mỹ. Viết tới đây bạn đọc sẽ hiểu tại sao tượng thần Tự do lại là nữ mà không phải là nam. Bên Mỹ trọng nữ hơn nam.

Trung tâm Washington DC có National Mall dài khoảng 3km, rộng gần 1km, một đầu là Capitol Hill (Quốc hội), ở giữa là cái bút chì (Washington Monument), đầu kia là nhà tưởng niệm Lincoln. Bên cạnh bút chì là Nhà Trắng, phía kia là hồ Tidal Basin có hoa anh đào Nhật nổi tiếng, nhà tưởng niệm Jefferson và tượng Martin L. King. Trong Mall có tượng đài chiến tranh từ Triều Tiên đến VN, từ thế giới thứ 2. Có vài chỗ đủ cho thế chiến thứ 3 và sau đó nữa. Giữa là một sân cỏ khổng lồ có thể chứa vài triệu người, hai bên là hệ thống bảo tàng Smithsonian miễn phí. Hai bên “sân cỏ” là hai phố Constitution (Hiến pháp) và Independence (Độc lập), bao hàm những gì diễn ra ở National Mall là do hiến pháp và sự độc lập Hoa Kỳ mang lại.

635046136657475110 Đôi điều về thủ đô Washington DC
Phố FIRST


Nối giữa Nhà Trắng và Capitol Hill là đại lộ Pennsylvania, tên một bang. Vào ngày nhậm chức thì Tổng thống sau khi tuyên thệ đi xe thẳng từ nhà Quốc hội về Nhà Trắng. Còn Tổng thống hết nhiệm kỳ thì đi từ Nhà Trắng lần cuối ra Capitol Hill dự lễ chém gió của ông chủ mới và đi trực thăng số 1 về quê đuổi gà.

Hệ thống tên phố của DC 

Đi quanh Capitol Hill thấy phố 2 SW, một lúc sau thấy 2 NW, rồi 2 NE và cả 2 SE. Ngó sang thấy C SW, C NW, D NE, E SE… Phố với chả phường, toàn chữ với số ABCDEF…W, 1,2, 3,4 …100. Đang đi ở phố M sang phố K (cờ) lại thấy L, đang ở phố L (lờ) lại thấy phố D (dê), rồi loanh quanh thấy phố C, vài bước nhìn thấy B, nghe như phố bướm và chim. Nước Mỹ đúng là vô hồn, nhạt từ cái tên phố. Anh nào không sang Mỹ thì phán Mỹ chẳng là cái gì cũng phải thôi. Dễ đến chục năm mình mới tạm quen. Hóa ra tên phố có qui định (convention) hẳn hoi.

Lấy tòa nhà Quốc hội làm trung tâm, các phố được đánh số thứ tự 1, 2, 3, theo hướng Đông – Tây và vần chữ cái A, B, C từ Nam lên Bắc. Các đường chéo là tên các bang đặt cho các đại lộ chính của thủ đô. Washington DC được chia từ tâm Capitol Hill thành 4 phần (NW north-west tây bắc – NE north-east đông-bắc – SW south-west tây nam – SE south east đông nam).

635046134733086560 Đôi điều về thủ đô Washington DC
DC được chia thành 4 khu


Quyền lực nhất nước Mỹ là Capitol Hill được mang phố số 1 (First). Obama ở giữa phố 17 và 16 dù là tổng thống. 
Mỗi phố có chữ số hoặc chữ cái đều kèm theo góc nào của DC là NW, NE, SW hay SE – tây bắc, đông bắc, tây nam hoặc đông nam. Địa chỉ 1200 4NE là số nhà 1200 trên phố số 4, phía đông bắc Capitol Hill. 1240 4SE là nhà số 1240 trên đường 4 ở phía đông nam của nhà Quốc hội.  Vì DC không mở rộng nên đến thời điểm hiện tại phố 63 là phố có số lớn nhất và số thì có thể lên tới hàng triệu nên không sợ hết tên phố.

Vì chỉ có 24 chữ cái từ A-W, bỏ qua chữ J vì hay nhầm với G khi phát âm trong tiếng Anh, nên số phố mang tên chữ cái sẽ hết rất nhanh. Phố W là tên phố cuối cùng trong bảng chữ cái. Phố tiếp theo sẽ được phép đặt tên người mang hai nguyên âm, cũng thứ tự từ A đến W. Ví dụ, sau phố W sẽ là Adams street – có hai chữ A. Sau Adams có thể là Arden (A và E) là những tên người khá phổ biến ở Mỹ.

635046134634225700 Đôi điều về thủ đô Washington DC
Góc phố DC


Khi hết tên có hai nguyên âm thì cho phép 3 nguyên âm. Ví dụ Allison (A, I, O) street sẽ là phố tiếp theo của phố Webster (E, E). Allison, Adams, Arden thì có cả triệu người mang tên này. 
Sang Mỹ cứ lấy tên là Adams, Andrew thì chắc chắn đi vào lịch sử Hoa Kỳ, chẳng cần là ông lớn bà tướng gì cũng được một phố mang tên. Do dân, vì dân cũng là thế này chăng? Đặt tên phố kiểu Mỹ thì vô hồn nhưng khoa học. Ở New York hay Maryland, vùng Atlanta, đâu đâu cũng bắt chước nhau.

Du khách đang đứng ở phố L cắt với đường 18 thì hiểu rằng muốn đi tới C đường 20 phải bằng cách nào. Từ Adams đến Webster đi bộ hay dùng taxi. Có lẽ người Mỹ thực dụng. Họ hạn chế dùng tên các vĩ nhân hay người nổi tiếng cho các tên phố hay đại lộ. Bởi một lẽ đơn giản, họ tránh những mầu sắc chính trị trên đường phố và muốn tên phố đã đặt là không làm lại biển một lần nào nữa. Hôm nay lịch sử cho rằng anh Adams có công với nước nên cố tìm bằng được một phố để đặt tên. Bao nhiêu giấy tờ, địa chỉ, hộ khẩu, sổ đỏ, CMT… đều liên quan đến phố đó. Chục năm sau, đám con cháu phát hiện Adams là kẻ cắp tầm quốc gia, thế là tên bị xóa. Tên bị xóa kéo theo bao hệ lụy về thông tin có mang tên phố đó. Thay lại địa chỉ, thay lại CMT, đổi trên bưu điện hay cơ sở dữ liệu, làm lại sổ đỏ. Đâu phải câu chuyện đổi tên là xong.

Hiệu Minh. 17-5-2013

Cùng Danh Mục :

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>